Info
Thế Lữ chính tên là Nguyễn Thứ Lễ, sinh tháng 10 năm Đinh Mùi (1907) tại Thái Hà Ấp Hà Nội. Ngay từ tuổi ấu thơ đã theo người nhà đến sống ở Lạng Sơn. Đến năm 11 tuổi (1918), đến sinh sống ở thành phố Hải Phòng. Từ năm 1925 đến năm 1928 Thế Lữ học ở trường Bonnal Hải Phòng (nay là trường trung học Ngô Quyền). Ông học đến năm thứ ba ban Thành Chung thì thôi học, lên Hà Nội học trường Mỹ Thuật, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, lại bỏ để đi theo sở thích riêng là sáng tác thơ, văn và cuối cùng là viết và diễn kịch.
Những năm còn đi học ở trường Bonnal, được tiếp xúc với những thầy giáo, học sinh yêu nước, tiến bộ, Nguyễn Thứ Lễ hăng hái tham gia các phong trào yêu nước như: Để tang Phan Chu Trinh, đòi thả Phan Bội Châu và gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, cùng sinh hoạt trong chi bộ ghép với Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Thị Hiển, ... là bạn và đồng chí thân thiết với Nguyễn Văn Cúc (Nguyễn Văn Linh Nguyên Tổng Bí thư ban chấp hành trung ương Đảng khoá VI (1986 1991) đến năm 1930 khi 'Thanh niên' chuyển thành Đảng cộng sản, Anh thành thật nói với đồng chí Nguyễn Văn Linh, anh vẫn tán thành lý tưởng cách mạng, nhưng vì gia đình theo công giáo, anh không thể gia nhập Đảng. Ít năm sau, anh đã trở thành nhà thơ Thế Lữ mở đường cho Thơ mới...
Thế Lữ cũng là một người sáng lập ra Tự lực văn đoàn, tham gia viết báo ở trong ban biên tập các tờ báo nổi tiếng đương thời: Phong hoá, Ngày nay, Tinh hoa. Sự nghiệp thành đạt đầu tiên của Thế Lữ là đã có công 'mở đường' cho trào lưu thơ mới. Năm 1935 ông đã xuất bản tập Mấy Vần Thơ trong đó có những bài thơ nổi tiếng 'Nhớ rừng', 'Tiếng sáo Thiên thai', 'Cây đàn muôn điệu'... đã lôi cuốn được rất nhiều thanh niên, kể cả những người sau này thành danh như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi... Từ những năm 40, hai nhà phê bình thơ văn Việt Nam nổi tiếng là Hoài Thanh và Hoài Chân đã đánh giá Độ ấy thơ mới vừa ra đời, Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam...
Nhưng ông vẫn rất khiêm tốn tự 'giữ mình':
Thế Lữ anh chàng thật cừ khôi
Sống hôm nay chẳng biết có ngày mai...
Giữa trưa hè vịnh cảnh đêm đông
Ở Đồ Sơn nói chuyện trên rừng
Đến khi lên thượng du có lẽ
Lại nghĩ chuyện ngẩn ngơ dưới biển...
Ngay sau đó Thế Lữ lại mở đầu cuộc khai phá lĩnh vực viết tiểu thuyết trinh thám ở Việt Nam. Từ Hải Phòng tác giả đã viết những tác phẩm nổi tiếng một thời 'Vàng và máu', 'Bên đường Thiên lôi' 'Gói thuốc lá' v.v. Sau này tập truyện ngắn chọn lọc của ông xuất bản, Nhà xuất bản Văn học Việt Nam đã đánh giá 'Người đọc nhận thấy rất rõ ông là người có tài quan sát có óc phân tích sắc sảo và có trí tưởng tượng hết sức phong phú'.
Đặc biệt, kịch nói là lĩnh vực nghệ thuật mà Thế Lữ đã từng dồn nhiều tâm lực trau dồi và cũng thành đạt nhất. Ngay từ năm 1920, Thế Lữ đã tập hợp được nhiều nghệ sĩ tài hoa, chuẩn bị lập ban kịch, đã có các vở kịch như: Vỡ lọ vàng, công diễn ở sân khấu Hải Phòng, rồi Hà Nội. Năm 1942 Ban kịch Thế Lữ ra đời được xem là 'Ban kịch qui mô đầu tiên của kịch nói Việt Nam' đã tập hợp nhiều nghệ sĩ có tên tuổi ở Hải Phòng, Hà Nội: Lê Đại Thanh, Phạm Văn Khoa, Minh Trâm, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Tuân, Song Kim (Phạm Thị Nghĩa) v.v.. để thực hiện ước vọng dần dần tạo dựng được một sân khấu kịch nói Việt Nam'. Năm 1945 trên đường đi biểu diễn ở các địa phương phía Nam, thì cách mạng tháng Tám thành công, Thế Lữ và Ban kịch Anh Vũ đã mau lẹ chuyển hướng về nội dung biểu diễn, phù hợp với hoàn cảnh mới. Trên sân khấu các nghệ sĩ lập bàn thờ tổ quốc, mở đầu bằng bài Tiến quân ca, diễn những vở kịch lịch sử ca ngợi tinh thần yêu nước, bất khuất của những trang oanh liệt: Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung v.v.
Trong kháng chiến chống Pháp, từ năm 1948, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập Thế Lữ - Song Kim là trụ cột trong Ban sân khấu, rồi Đoàn kịch Chiến Thắng, đi biểu diễn khắp các nẻo đường Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên Theo bước chân của các đơn vị bộ đội... dựng sân khấu ngay ở gần hoả tuyến, trước giờ bộ đội xuất kích, hay sau một trận công đồn... diễn viên và khán giả gắn bó thân mật hoà hợp. Giữa sân khấu và cuộc đời không có gì cách bức nữa.
Hoà bình lập lại, Thế Lữ trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội sân khấu Việt Nam, song ông vẫn tiếp tục sự nghiệp đạo diễn nhiều vở kịch với quy mô lớn hơn, với phong cách làm việc: 'Đòi hỏi rất nghiêm về nghề nghiệp, và cách làm việc ân cần, kiên nhẫn, tỉ mỉ của nhà nghệ sĩ bậc thầy đôí với từng anh em diễn viên'. Với thành phố Cảng, Thế Lữ và những người thân thiết của ông như Song Kim (vợ), Nguyễn Đình Nghi (con trai) đều có một tình cảm đặc biệt, một sự giúp đỡ to lớn trên lĩnh vực sân khấu.
Năm 1989, Thế Lữ qua đời ở thành phố Hồ Chí Minh, để lại lòng tiếc thương vô hạn đối với giới văn nghệ sĩ, tri thức và nhân dân ta. Đúng như Bộ trưởng Bộ văn hoá thông tin Nguyễn Khoa Điềm nói nhân ngày mừmg thọ 85 tuổi nghệ sĩ nhân dân Song Kim (Ngày 14/4/1997) 'Những người hoạt động văn hoá văn nghệ chúng ta rất tự hào vì đã có những nghệ sĩ tài năng như Song Kim và bên canh Song Kim còn có cây đại thụ nữa, đó là Thế Lữ người bạn đời và bạn nghề của người đã hợp sức xây dựng nền sân khấu Việt Nam hiện đại và giàu bản sắc dân tộc. Những đồng nghiệp của Song Kim gọi cặp Song Kim Thế Lữ là hai thỏi vàng hiếm hoi, quí giá'.
1. Từ mùa thu ấy: Hồi ký/Thế Lữ.-Tạp chí nghệ thuật sân khấu.- Tháng 2/1976.
2. Mừng anh Thế Lữ 80 tuổi/Nguyễn Đình Thi.- Báo Văn nghệ số 22, 25,2 6.-1987
3. Nhớ anh Thế Lữ: Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh và 8 năm ngày mất nhà thơ Thế Lữ/Nguyễn Đình Thi.- Báo Lao động.- Ngày15/6/1997
4. Nghệ sĩ nhân dân Song Kim con chim đầu đàn của kịch nói Việt Nam/Hoàng Chương viện trưởng viện nghệ thuật sân khấu.- Báo nhân dân.-Ngày1/5/1997.