Năm 1918, bút danh Đạm Phương nữ sử xuất hiện đều trên các báo trong Nam ngoài Bắc, như: Nam Phong, Phụ nữ thời đàm, Tiếng dân, Hữu Thanh... Thời gian này, bà giữ chuyên mục Lời đàn bà trên Báo Thực nghiệp. Từ năm 1919 đến năm 1928, bà làm trợ bút cho Báo Trung Bắc tân văn và giữ chuyên mục Văn đàn bà trên báo này. Ngoài viết báo, Đạm Phương nữ sử còn là tác giả của nhiều tác phẩm: Giáo dục nhi đồng, Phụ nữ dự gia đình, Nữ công thường thức (3 tập), Kim Tú Cầu (tình sử), Hồng phấn tương tri (truyện dài), Đạm Phương thi văn tập... và những tác phẩm dịch, như: Gái trinh liệt (Trung Quốc), Gia đình giáo dục đàm (Trung Quốc), Dưỡng trẻ em (Pháp), Trường con trẻ (Pháp), Vườn trẻ con (Đức), Nhà trẻ con (Ý)...
Tuyển tập Đạm Phương nữ sử được Lê Thanh Hiền sưu tầm, biên soạn, giới thiệu; Nguyễn Khoa Điềm bổ sung, sửa chữa và được NXB Văn học ấn hành vào tháng 12-2010. Qua những tác phẩm trong tuyển tập, người đọc thấy bà hết sức chú ý đến việc giáo dục người phụ nữ trong xã hội trước khi làm mẹ; phải biết nuôi dạy con thành người hữu dụng cho xã hội. Nhưng không chỉ thuần lý thuyết qua những tác phẩm của mình, năm 1926, Đạm Phương nữ sử sáng lập Nữ công học hội, có tôn chỉ, mục đích, nội quy, chương trình hoạt động và trực tiếp làm hội trưởng, vận động, diễn thuyết... Ảnh hưởng của hội tỏa rộng khắp 3 miền và được các bậc chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng cổ vũ; được các trí thức trẻ như Đào Duy Anh, Đoàn Nồng, Nguyễn Lãm tham gia sinh hoạt định kỳ. Qua tuyển tập, người đọc còn thấy bà là nữ tác giả dẫn đầu về số lượng tác phẩm với nhiều thể loại xuất bản trước năm 1945; quan tâm đặc biệt đến nữ quyền, đặc biệt là vai trò người mẹ trong sự dưỡng dục thế hệ trẻ thơ từ khi lọt lòng đến tuổi cắp sách tới trường...
Tuyển tập Đạm Phương nữ sử đáng được các bậc cha mẹ tìm đọc và nghiền ngẫm để rút ra nhiều bài học trong việc chăm sóc giáo dục thế hệ tương lai.