Chuyện kết thúc quá đột ngột, chỉ sau đó vài ngày những người dân xã Hưng Thịnh, do tò mò muốn đến xem cái xóm Linh Linh mà bấy lâu nay vẫn nghe thiên hạ đồn đại, những kẻ muộn mằn ấy khi đặt chân đến chỗ này đã thấy hoang tàn một bãi đất, vắng bặt không có bóng người. Chỉ có bảy mái tranh xơ xác và phía sau vườn mọc lên bốn nấm mồ mới. Không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra và thế là một cuộc bàn tán ầm ào khác lại nổ ra rộn ràng khắp cả huyện. Có người quả quyết đã gặp cô Vĩ Kiều ở trong bến xe An Hoà, tay bế một đứa bé trai và trên cổ tay bé xíu của đứa bé đỏ ỏng ấy có một chiếc vòng bằng đá. Có kẻ ngứa miệng hỏi, cô ta đã trả lời đốp chát: “Bùa hộ mệnh đó”.
Dân trong xã Hưng Thịnh cũng có người cam đoan nhìn thấy chị Lào dẫn đầu cả đoàn người bao gồm bà già trẻ con lên xe đò vào phía trong. Gặp người quen chị ta còn gửi lời chào tạm biệt và nói: “Chúng tôi đi tìm cậu Ngụ”. Những điều ấy khả dĩ còn tin được , nhưng đến chuyện này thì quá quắt. Có một bà bán quán ở cái chợ xép bên đường quốc lộ, vào một đêm nọ, vì hàng ế nên cố ngồi nén đến khoảng chín mười giờ. Bỗng bà nhìn thấy một tốp người, bà cam đoan là người bởi vì cũng có đầu phía trên, thân ở giữa, và hai chân phía dưới. Bà lại còn nhìn rõ cả những bộ phận lủng lẳng khác nữa.
- Thầy tôi nói: Làm văn đừng cố tìm cách nói cho người ta tin, hãy nói những gì tự mình tin nhất. Tôi hỏi: Thế người ta kể chuyện cổ tích thì sao? Thầy lại nói: Tất cả những chuyện cổ tích đều được đẻ ra từ niềm tin trong sáng nhất. Bạn có quyền tin hoặc không tin vào những điều mà tôi sắp kể. Việc đó không sao, bởi chính tôi, khi chấm hết trang viết cuối cùng cũng chợt thấy bần thần. Tôi tự hỏi, liệu người đọc có thể tin được vào những điều mình kể không? Tôi loay hoay định sửa lại bản thảo, chợt nhớ đến lời dặn của thầy: đừng cố tìm cách làm cho người ta tin, hãy xem xem mình nói có thật lòng không? Thưa bạn, hãy coi như tôi đang làm cổ tích vậy.
Thầy tôi dạy: cái nghiệp văn có người nói bịa mà như thật, có người nói thật lại như bịa.
Tôi hỏi, thưa thầy như tôi đây thuộc loại nào?
Thầy cười to rồi nghiêm mặt. Cái đó anh phải tự biết lấy. Còn gì gian khổ và nghiệt ngã bằng sự tự biết về mình. Người không tự biết mình, như chuyện dân gian vẫn kể, là người lúc nào cũng tỏ ra thông thạo tất cả mọi chuyện, là người chỉ thích nói cho người khác nghe mà không bao giờ chịu lắng nghe người khác nói, là người chỉ cắm cổ cắm đầu mà viết chứ chẳng bao giờ chịu khó đọc những trang viết của người xung quanh. Tôi tin cả tôi lẫn các bạn không có ai như vậy cả. Tôi không ép bạn phải tin vào điều tôi sắp kể.Tuy vậy, nếu bạn tò mò muốn biết thì tôi sẵn sàng bất cứ lúc nào cũng có thể dẫn bạn đến thăm chơi cái xóm Linh Linh ấy, nơi có một người đàn ông lấy bảy bà vợ mà cũng là bảy chị em ruột. Còn các thầy mo và những phép thư của họ thì sao? Xin tranh thủ kể trước ra đây một trường hợp. Vào năm 1962, có một người đàn ông chột mắt, tuổi cao, râu dê, cưỡi một con ngựa cùng với vợ, tự xưng là Tổng vương từ ngoài vùng đất Hàm Nghi vào. Dọc theo các bản dân tộc, người vợ đi trước một ngày dùng thuốc độc thư cho nhân dân bị ốm. Các thầy mo trong bản không có cách gì chữa được vì đó là một loại độc đặc biệt. Ngày hôm sau, tên Tổng vương ấy đi ngựa đến, dùng phép giải độc. Dĩ nhiên người được chữa khỏi bệnh phải trả tiền rất cao hoặc trả bằng các vòng bạc. Uỷ ban hành chính của các xã dân tộc đã cấp báo về huyện. Nhận thấy lão thầy mo kia có bằng chứng phạm pháp, huyện đã lệnh cho công nhân khai thác gỗ Bãi Hà kết hợp với dân quân vây bắt tên Tổng vương ấy. Chuyện đó ở quê tôi ai ai cũng biết.