...Đại liếc nhìn xuống chân đồi, thốt lạnh người. Súng cối! Họng súng đen đang ngóc đầu dần lên theo bàn tay quay. Đại ngắm thật kỹ, thả một loạt. Hụt! Một loạt nữa. Hai tên đổ kềnh. Nhưng khẩu súng cối đã dựng ngược tám mươi độ. Quả đạn vọt lên trời, lao xuống. Tất cả các cỡ súng địch cùng nổ theo.
Đá bay tới tấp. Khói trắng khét xé phổi. Đại nghiến răng, bóp cò. Tiếng cơ bẩm rơi đánh cốc trong buồng đạn rỗng. Đại gầm lên, đạp những tảng đá lung lay lăn ào xuống dốc. Ngọn đòn bất ngờ chặn địch được vài phút. Oàng! Đại ngã ngồi, cánh tay gần đứt lìa. Cũng trong lúc ấy, như ánh chớp, Đại nhớ đến bộ quân phục trên người và thấy địch xì xồ chung quanh mình: “Áo quần khác, súng khác... Việt Minh chủ lực đến rồi!”. Lộ hết hướng mở chiến dịch! Hơi đạn xô anh ngã dúi. “Nó sẽ tăng viện cho Pà Thạc. Chiến dịch hỏng...”
Máu ộc thành vũng bên người anh. Không được, không cho nó bắt! Không cho nhặt xác! Không để lại tí dấu vết nào! Đại chống tay ngồi lên, quờ ba lô. Hai mảnh đạn cối xóc viu víu vào ngực, vai. Đại không đau. Người anh mạnh ghê gớm như quả bộc phá cháy hết ngòi sắp nổ.
Bọn lính áo dù hồng hộc chạy lên, quét tiểu liên mở đường. Khói còn mù mịt trên đỉnh đồi. Thoáng một bóng lảo đảo đứng dậy, súng quàng cổ, ba lô đeo lưng, cánh tay buông thõng.
- Pa pưn! Nho mư khựn! (Bỏ súng! Giơ tay lên!)
Một tiếng thét lạ tai. Hình người trong khói chồm vọt lên, biến mất. Cả đại đội lính Xửa pà xô rom đến bờ vực.
Một đám bọt li ti sôi lên giữa những quầng tròn đang lan rộng, lan rộng. Mặt nước nuốt chửng người rơi. Một con cá sấu trên bãi bên kia lạch bạch bò xuống nước, nắng lia trên cái lưng sần sùi một đường chấm trắng rợn. Nó bơi ì ạch một quãng, rồi lặn xuống chỗ bọt đang sủi...
PHAN TỨ - MẤY NÉT TIỂU SỬ VÀ TÁC PHẨM
Phan Tứ tên thật là Lê Khâm, ông sinh ngày 20-12- 1930 tại thị xã Quy Nhơn; nguyên quán xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình trí thức yêu nước.
Phan Tứ tham gia cách mạng từ năm mười lăm tuổi, làm liên lạc chuyển tài liệu, báo chí bí mật. Năm 1950, ông nhập ngũ tại Hà Tĩnh, tốt nghiệp Trường Lục quân ở Thanh Hóa rồi sang Lào chiến đấu trong quân tình nguyện Việt Nam.
Năm 1954, Phan Tứ tập kết ra Bắc rồi theo học khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1958, ông cho xuất bản tiểu thuyết
Bên kia biên giới. Năm 1960, ông cho xuất bản tập truyện ngắn
Trở về Hà Nội và tiểu thuyết
Trước giờ nổ súng. Năm 1961, ông trở về công tác tại chiến trường miền Nam, làm phái viên ban Tuyên huấn Khu ủy Liên khu V, lấy bút danh là Phan Tứ. Năm 1966, Phan Tứ trở ra Bắc, công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, làm quyền Tổng biên tập Nhà xuất bản Giải phóng. Năm 1968, ông xuất bản tiểu thuyết
Gia đình má Bảy, tập truyện ngắn
Trong đám nứa. Năm 1970 ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và giữ chức vụ Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Ban thư ký của Hội. Và ông lần lượt cho xuất bản: bút ký
Măng mọc trong lửa; tiểu thuyết
Mẫn và tôi năm 1972, tiểu thuyết
Trại S.T.18 vào năm 1974.
Năm 1975, Phan Tứ được nhận Giải thưởng ba mươi năm (1945-1975) của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Sau kháng chiến chống Mỹ, Phan Tứ giữ chức vụ Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi Đại biểu Quốc hội khóa VIII, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Thời gian này ông cho xuất bản hồi ký
Trong mưa núi và ba tập tiểu thuyết
Người cùng quê (1985).
Năm 1995, Phan Tứ được nhận Giải thưởng Văn học loại A mười năm (1985-1995) của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông còn được nhận Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu.
Năm 2002, Toàn tập Phan Tứ (4 tập) được Nhà xuất bản Văn học xuất bản.
Ông mất ngày 17 tháng 4 năm 1995 do hậu quả chất độc màu da cam.
Năm 2000, Phan Tứ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm:
Trước giờ nổ súng,
Gia đình má Bảy,
Mẫn và tôi,
Về làng.
TÁC PHẨM CHÍNH
Bên kia biên giới - Tiểu thuyết (1958);
Trở về Hà Nội - Tập truyện ngắn (1960);
Trước giờ nổ súng - Tiểu thuyết (1960);
Trên đất Lào - Bút ký (1961);
Về làng - Tập truyện ngắn (1964);
Gia đình má Bảy - Tiểu thuyết (1968);
Măng mọc trong lửa - Bút ký (1970);
Mẫn và tôi - Tiểu thuyết (1972);
Trại S.T.18 - Tiểu thuyết (1974);
Trong mưa núi - Hồi ký (1984);
Người cùng quê - Tiểu thuyết, 3 tập (1985);
Sông Hằng mẹ tôi - Tiểu thuyết (dịch) (1984);
Toàn tập Phan Tứ, 4 tập (2002)