Info
Hoàng Việt: Tôi muốn xí nghiệp thoát khỏi tình trạng bế tắc. Tôi căm ghét cái nghèo, cái trì trệ, nhưng quan trọng hơn là tôi rất thương và rất tin các công nhân của tôi. Nhờ có họ mà tôi đã dám làm. Bộ trưởng: Cậu đã trả lương rất cao cho các công nhân. Niềm tin của cậu có giá đấy chứ? Hoàng Việt: Đúng, bởi không ai uống nước lã đi theo ta. Mác nói: Vật chất quyết định ý thức, vật chất cho người ta có một tí là lại đòi người ta ý thức phục vụ tuyệt vời vô điều kiện. Tôi đã mạnh dạn làm. Tôi nhớ là, từ khi tôi đi theo Đảng, Đảng không hề cấm tôi làm một việc gì trừ một việc: không được làm bậy, tôi không được lấy tiền bỏ vào túi mình. Tôi không có tội gì.Bộ trưởng: Có đấy. Tội đã đi sớm quá. Hoàng Việt: Cũng phải có người đi trước chứ anh? Bộ trưởng: Ngoài mặt trận chưa có lệnh mà đã nổ súng, người ta gọi là cướp cò. Rất có thể phải kỉ luật anh lính đó. Hoàng Việt: Tôi nghĩ là đã có lệnh. Chính các anh đã ra lệnh ấy. Tôi vẫn nhớ lời anh thường nói: Hăng hái xông lên tìm tòi sáng tạo. Trước kia anh đã dạy tôi như vậy.Bộ trưởng: Với cương vị người thầy. Còn bây giờ với cương vị người lãnh đạo… chức giám đốc của cậu chưa to, chức Bộ trưởng và Uỷ viên trung ương Đảng của tôi cũng chưa to, người ta có thể cách chức cậu, và thay thế tôi. Chúng ta chỉ là những chiến sĩ trên một cuộc đấu tranh rộng lớn: chiến đấu chống lại những cái cũ, cái bảo thủ, trì trệ của một đất nước nông nghiệp lạc hậu. Gần đây chúng ta bắt đầu nói đến tác hại của sự “bao cấp”. Bao cấp có nghĩa là gì cậu biết không? Không phải bao cấp với cái máy với thửa ruộng mà là với con người. Bao cấp chính là sự không tin vào con người, những chủ thể sáng tạo. Và tác hại của hệ thống quan liêu bao cấp của cơ chế cũ không phải chỉ làm cho năng suất kém, đời sống thấp mà tác hại đáng sợ nhất là làm sa sút phẩm chất con người, làm hư hỏng con người, phá hoại những mối quan hệ giữa con người với con người, dung túng cho thói quan liêu ích kỉ, hèn nhát, ỷ lại, tối tăm, ngu muội, phải chống lại nguy cơ đó. Hoàng Việt: Nhưng sẽ đụng chạm tới nếp suy nghĩ của nhiều người.Bộ trưởng: Phải, sẽ có những người bảo vệ cơ chế cũ, họ quên rằng họ chỉ bảo vệ những biện pháp mà bỏ quên hẳn mục đích. Chủ nghĩa xã hội của họ là một thứ chủ nghĩa xã hội hình thức, về thực chất là giả dối, khô cằn, tàn héo. Bài học nào cũng có cái giá phải trả. Cái giá cậu phải trả ấy là việc người ta chống lại cậu. Không phải chỉ những kẻ xấu chống lại cậu đâu, cả những người tốt, những người có tâm huyết chống lại cậu! Đó là cái giá. Và cả tôi, tôi cũng phải có gan trả giá nếu như tôi bênh vực cậu, anh học trò cũ của tôi ạ, tôi rất yêu cậu