Kinh đô Thăng Long ngủ say mê mệt dưới ánh nắng trưa hè; phố phường vắng tanh, yên lặng ... Trong Tử Cấm thành, vượt khỏi ngọn tường đá ong sâu nâu sạm, nhô lên khoảng không trong vắt, những dao, guột chênh vênh, những long, phùng vờn nhau trên những nóc lầu nặng trĩu.
Một vài hàng cau thẳng tuột; đứng im như những quạt vả khổng lồ đang che bóng xuống một giấc mơ vưong giả. Nơi đô hội phồn hoa, lúc ấy, chỉ còn sự đìu hiu, ánh sáng, tiếng oanh vàng lanh lảnh chen lẫn tiếng ve sầu. Hay, về phía Ngọ môn, tiếng đờn ca thỉnh thoảng rung động bầu không khí giòn tan. Vẳng qua mấy lớp cây rậm, tường dày, khúc âm nhạc nghe lạ lùng, huyền bí ...
Một vài đứa trong bọn nô lệ Chàm, đang quảy nước ngoài phố vắng, dừng bước lắng nghe, quên bẵng sự quở phạt và ánh nắng cháy da. Là vì, những tiếng oán than ấy gợi ra trong lòng kẻ đau khổ biết bao tình nhớ nước thương quê và làm sống lại trong trí nhớ họ bao cảnh chia lìa đoạn tuyệt ... Nhưng, âm nhạc kia từ đâu vẳng lại, giữa khi cả một thành đang mê mệt dưới nắng trưa hè?
Ta, nếu muốn tìm, phải vào Ngọ môn, lần theo con đường quanh co dưới bóng liễu, tiến vào ngả Phượng Hoàng lâu. Cửa cung nhìn ra một bãi đất phẳng rộng, cỏ xanh dãi nắng không bợn chút bóng râm, Dải tường đá, ẩn hiện dưới lớp dây leo hoa nở, như căng một đoạn gấm dài. Một cái Khải Hoàng môn sừng sững trên bốn cột đồng, biển son phô nét chữ vàng chói lọi.
Qua cổng lớn là một cái sân lát gạch bát tràng với những voi, ngựa đá, bày song song dưới hai hàng cây đại khúc khuỷu, lục liễu thướt tha. Giữa sân, một cái bể cạn, những khóm thược dược, mẫu đơn, thạch lựu, trà mi đua vẻ thắm tươi trên nền lá biếc. Vài con hạc gầy, ngẩn ngơ như đang nhớ tiếc những ngày tự do ngoài khoảng rộng ...