Info
"Thép đã tôi thế đấy" đã một thời được coi là cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Pavel là một thanh niên, được tôi luyện, được nung rèn trong lò lửa của cách mạng và đã vượt qua được nhiều khó khăn, cực khổ. Tác phẩm lột tả được niềm tự hào đã vượt qua những thử thách cam go, sức mạnh của niềm tin và khát khao được sống, được cống hiến, được bùng cháy trọn vẹn ngọn lửa đời mình cho tố quốc, cho cách mạng. Tác phẩm đã truyền lại được cho những độc giả là thanh niên ngọn lửa và chất thép hào hùng, một thứ rất cần thiết trong hành trang vào đời các bạn trẻ để họ có thể sống một cuộc sống có ý nghĩa. Đây là tác phẩm được coi là đặt nền móng cho văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.Thép đã tôi thế đấy không phải là một tác phẩm văn học chỉ nhìn đời mà viết. Tác giả sống nó rồi mới viết nó. Nhân vật trung tâm Pavel chính là tác giả - Nikolai Ostrovsky. Là một người con Cách mạng tháng Mười, ông đã sống một cách nồng cháy nhất, như nhân vật Pa-ven của ông. Cũng không phải một cuốn tiểu thuyết tự thuật thường vì hứng thú hay lợi ích cá nhân mà viết. Nikolai Ostrovsky viết Thép đã tôi thế đấy ! trên giường bệnh, trong khi bại liệt và mù, bệnh tật tàn phá chín phần mười cơ thể. Chưa bao giờ có một nhà văn sáng tác trong những điều kiện gian khổ như vậy. Trong lòng người viết phải có một nhiệt độ cảm hứng nồng nàn không biết bao nhiêu mà kể. Nguồn cảm hứng ấy là sức mạnh tinh thần của người chiến sĩ cách mạng bị tàn phế, đau đớn đến cùng cực, không chịu nằm đợi chết, không thể chịu được xa rời chiến đấu, do đó phấn đấu trở thành một nhà văn và viết nên cuốn sách này. Càng yêu cuốn sách, càng kính trọng nhà văn, càng tôn quý phẩm chất của con người cách mạng.Thép đã tôi thế đấy ! có một địa vị đặc biệt trong lịch sử văn học Liên Xô và nền văn học tiên tiến thế giới. Cách mạng tháng Mười thắng lợi, cuộc chiến đấu vĩ đại chưa từng có bao giờ của nhân dân lao động trên một dải đất Liên bang Xô Viết rộng lớn hàng ngày đề ra và đòi hỏi không biết bao nhiêu là anh hùng. Nhân dân Liên Xô, nhân loại tiến bộ chờ đợi văn học phản ánh và đào sâu cho mình hình ảnh con người anh hùng mới ấy. Lần đầu tiên trong văn học, N. A- xtơ-rốp-xki thu gọn được hình ảnh con người mới trong nhân vật Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin. Pa-ven không những khác hẳn với những anh hùng của các thời đại trước. Khác hẳn với những tác phẩm văn nghệ của những năm đầu cách mạng, thường ca ngợi lòng dũng cảm vô tổ chức, tả sức mạnh tràn trề, lớn khỏe của quần chúng như một sức mạnh bột phát, tự nhiên. Thép đã tôi thế đấy cho ta thấy từng con người trong một quần chúng rộng lớn nẩy nở như thế nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Thép đã tôi thế đấy ghi lại cả một quá trình tôi thép, bước đường gian khổ trưởng thành của thế hệ thanh niên Xô viết đầu tiên.Thép ở đây là Pavel, là Seryoga, là Valia, là Zharky, cả một lớp thanh niên lao động, vừa lớn lên thì gặp ngay cách mạng, ý thức giai cấp và tuổi trẻ bừng lên trong bão táp của phong trào. Lò ngàn độ nóng tôi rèn họ là cuộc đấu tranh thật trường kỳ gian khổ, thật là tự lực cánh sinh của Cách mạng tháng Mười. Người thợ vĩ đại tôi rèn thép ấy là Đảng Cộng sản, ngọn cờ và bộ tham mưu Cách mạng. Đảng lần lượt lãnh đạo chiến tranh, đảm bảo cung cấp, tổ chức vận tải, xây dựng đường sắt, trấn áp tàn dư phản cách mạng, tổ chức lực lượng nhân dân rộng lớn và thiết lập chính quyền cách mạng vững mạnh, lãnh đạo phục hồi sản xuất và kiến thiết, dắt dẫn nhân dân đi vào một xã hội mới - xã hội chủ nghĩa - chưa từng có bao giờ. Trong đấu tranh vũ trang cũng như công tác xây dựng, Đảng tập dần thói quen cho Pavel chiến thắng. Pavel từng bước một trưởng thành, trở nên một chiến sĩ cách mạng già dặn. Bệnh tật mười chết một sống là trận thử thách cuối cùng. Pavel là thép đã tôi rồi nên đã thắng, toàn thắng.Trong cuốn Mãi mãi tuổi hai mươi, Nguyễn Văn Thạc đã viết: "Paven là một người chân chính, một Đảng viên chân chính. Dĩ nhiên rồi, đó phải là con người của giai cấp, suốt đời trung thành với Đảng, và cống hiến cả đời mình cho cách mạng. Mà mình, dường như vẫn còn nhỏ lắm, trẻ con lắm, chưa là người lớn đâu. Mình còn cá nhân lắm, nhỏ nhen và ti tiện. So bì thiệt hơn, đòi hỏi bao nhiêu thứ. Cuộc sống của mình không bằng 1% cuộc sống của Paven... Đừng lười nữa. Sống say mê và dồn ép lại, đừng để những tháng ngày trôi qua vô vị nữa... Cuộc sống của Paven là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của 1 chiến sỹ hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng..."Trong cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Đặng Thuỳ Trâm đã viết đại ý rằng trên mảnh đất miền Nam hầu như không lúc nào ngưng tiếng súng nổ này, 100% các gia đình đều có tang tóc, chết chóc đau thương đè nặng lên mỗi người dân. Vậy mà, ở giữa cái nơi sự "gian nan, chết chóc, hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm” ấy, có những người lính như chị nằm dưới công sự nghe giặc đào ở trên mà vẫn kể cho nhau nghe chuyện về anh chàng Pavel Corsaghin trong "Thép đã tôi thế đấy".Yuri Belychenko - nhà văn Nga, đã viết : "... Ngày nay, đọc lại "Thép đã tôi thế đấy", tôi càng thấy rõ hơn bao giờ hết: đó là một cuốn sách độc nhất vô nhị và đầy sức thuyết phục. Trong tất cả những điều mà ngày hôm nay một số người thì đe dọa chúng ta, còn số khác thì tỏ ra khâm phục cuộc đấu tranh giai cấp, nội chiến và đặc biệt là khâm phục sự lao động vô cùng cực nhọc nhưng tự nguyện của tác giả. Bị vôi hóa cột sống, bị bại liệt cả hai chân, bị mù hẳn vì vết thương, cuộc sống vật chất quá thiếu thốn sau nội chiến, thế mà ông vẫn đêm ngày làm việc bằng hết cả phần cuộc đời còn lại của mình...".