LỜI TỰA
Đêm khuya không dám dang chân ruỗi
Vì ngại non sông xã tắc xiêu
Lý Công Uẩn.
Cách đây hơn ba mươi năm, cũng có vài tiểu thuyết gia viết về Lý Công Uẩn. Cốt truyện tuy ly kỳ, câu văn tuy hấp dẫn thực, nhưng các tác giả thường thường đưa vào nhiều chuyện hoang đường để mô tả một nhân vật lỗi lạc với những hành động vượt quá sức tưởng tượng.
Thực ra, theo những tài liệu lịch sử xác thực thâu thập được, thì Lý Công Uẩn cũng chỉ là một người dung phàm,có cha họ Lê, và mẹ họ Phạm (mà không phải là con của thần nhân), nhưng sở dĩ sau này gây được sự nghiệp lớn lao như vậy, là do ở tấm lòng tha thiết với sự tồn vong của dân tộc, ở trí cương quyết bảo vệ đạo Phật và hoằng dương Phật Pháp, ở một hoàn cảnh thuận tiện cho người anh hùng vùng dậy đạp đổ chế độ độc tài của vua Lê Ngoạ Triều.
Hơn nữa, Lý Công Uẩn lại được dưỡng dục ở Thiền môn, một khung cảnh thích hợp cho những tâm hồn sa ngã nào muốn cải thiện, rồi hàng ngày được vị cao tăng Vạn Hạnh truyền thụ những giáo lý cao siêu của đạo Phật, và đạo Khổng, dễ khiến cho con người lúc nào cũng muốn vươn tới cõi toàn thiện, toàn mỹ, quên mình để tạo hạnh phúc cho muôn loài.
Cuốn lịch sử tiểu thuyết “Thầy Tăng Mở Nước” của Nguyễn Quỳnh không rơi vào những lỗi lầm đáng tiếc của các tiểu thuyết trước đó. Tác giả đã gạt bỏ những thuyết hoang đường về sự tích của LÝ CÔNG UẨN và chỉ đưa ra những sự trạng có thể xảy ra được ở một thời đại mà chiếc ngai vàng đang ở họ này đột nhiên chuyển sang tay họ khác (như trường hợp Lê Hoàn cướp ngôi của nhà Đinh), hoặc khi mà Chính Quyền chưa ổn định được tình hình rối ren ở các thôn quê, vì còn bận đối phó với nạn ngoại xâm (trường hợp quân nhà Tống viện cớ ủng hộ nhà Đinh, mang quân sang đánh Lê Hoàn).
Hoàn cảnh nào đã tạo nên Lý Công Uẩn, một cá nhân siêu đẳng, đã dùng “Đức” để duy hệ nhân tâm, gây được sức mạnh ở lòng tin tưởng vào phép màu nhiệm của đạo Phật để mở ra một triều đại kéo dài hơn hai trăm năm, võ công đã hiển hách, văn học lại hưng thịnh, đạo lý được duy trì, cương thường được bảo vệ.
Cuốn lịch sử tiểu thuyết “Thầy Tăng Mở Nước” đã trình bày rõ ràng hoàn cảnh và trường hợp đặc biệt đó.
“Vạn Hạnh” xuất bản cuốn lịch sử tiểu thuyết “Thầy Tăng Mở Nước” không ngoài những mục đích nói trên, mà còn hân hạnh cống hiến đến quý đọc giả một món ăn lành mạnh bổ ích cho tinh thần, đồng thời góp thêm chút ít tài liệu lịch sử để rộng đường dư luận.
Thích Thanh Kiểm