Info
Rāmāyaṇa (Devanāgarī: रामायण) là một sử thi cổ đại viết dưới dạng trường ca tiếng Sanskrit và là một phần quan trọng của bộ kinh Ấn Độ giáo (smṛti). Đây là bộ sử thi bằng tiếng Phạn nổi tiếng thứ hai của Ấn Độ cổ đại. Người ta cho rằng tác giả của Ramayana là nhà thơ Valmiki. Tên gọi Rāmāyaṇa là một từ ghép tatpurusha của Rāma và ayana "đi đến, tiến đến", được dịch ra là "những cuộc du hành của Rāma". Rāmāyaṇa bao gồm 24.000 câu trong bảy tập (kāṇḍas) và kể về câu chuyện của một hoàng tử, Rama của xứ Ayodhya, vợ là Sita bị bắt đi bởi vua quỷ (Rākshasa) vua xứ Lanka, Rāvana. Trong dạng hiện tại của nó, Valmiki Ramayana có niên đại có thể từ 500 TCN đến 100 TCN, hay là khoảng cùng thời với những bản đầu tiên của sử thi Mahabhārata.Sử thi này gồm 24.000 câu thơ đôi, tức 48.000 dòng thơ, chưa bằng 1/4 khối lượng dòng thơ của bộ Mahabharata nhưng bố cục chặt chẽ hơn. Chủ đề của tác phẩm là câu chuyện tình duyên giữa hoàng tử Rama và người vợ chung thủy Sita. Xưa kia ở vương quốc Kosala có ông vua già yếu tên là Dasaratha, có bốn người con trai do bà vợ sinh ra. Con cả Rama hơn hẳn các em về tài đức. Vua có ý định nhường ngôi cho chàng, nhưng vì bị trói buộc bởi lời hứa với bà vợ thứ hai Kaikeyî xinh đẹp cho nên đã đày Rama vào rừng 14 năm và trao ngôi lại cho Bharata, con của Kaikeyî.Vợ Rama, nàng Sita, cùng em trai Laksmana tình nguyện theo Rama vào rừng sống ẩn, luyện tập võ nghệ. Quỉ vương Rãvana ở đảo Lanka lập mưu cướp nàng Sita đem về làm vợ. Hắn dụ dỗ và ép buộc nàng nhưng nàng đã kịch liệt chống cự. Mất Sita, Rama đau buồn khôn xiết. Chàng quyết tâm cứu bằng được vợ trở về. Trên đường đi, Rama gặp và giúp đỡ vua khỉ Xu-gri-va, sau đó chàng được tướng khỉ Hanuman cùng đoàn quân khỉ giúp. Cuối cùng Rama cũng cứu được Sita. Nhưng sau chiến thắng vẻ vang đó, Rama nghi ngờ tiết hạnh của Sita, nổi cơn ghen dữ dội, không muốn nhận lại nàng làm vợ. Để Rama tin ở lòng chung thủy của mình, Sita đã bước vào lửa. Thần lửa A-nhi biết được nàng trong sạch, đã cứu nàng. Thấy vậy Rama vô cùng sung sướng, giang tay đón nàng. Hai người đưa nhau trở về kinh đô trong cảnh chào đón nồng nhiệt của dân chúng.