Info
Trời gần tối Trinh mặc một bộ ka-ki vàng, quần may cụt ống, áo sơ-mi xanh, đầu đội kết nỉ đen, chưn vấn ghết vải xám, ở trong nhà bước ra tới cửa, rồi day lại nói với Phụng đi theo sau: „Ở đời chẳng nên thối chí. Làm trai mình phải có can-đảm, phải có nghị-lực cho đầy-đủ mà xông-lướt phong-trào nguy-khổn, chớ sao lại cứ thở-than rầu-rĩ hoài như đàn-bà vậy, Mỏa biểu toa đừng thèm buồn việc gì nữa hết. Toa cứ đi chơi cho thong-thả trí, đặng phấn-chấn mà tranh-cạnh với thiên-hạ. Thôi toa ở nhà, để mỏa về rồi chúng ta sẽ nói chuyện tiếp“. Trinh bắt tay từ-giã Phụng rồi bước ra đại-lộ Galliéni, thủng-thẳng đi ra hướng chợ Bến-thành. Ngoài đường đèn khí bựt cháy lên, nam-thanh nữ-tú qua lại dập-dều, xe kéo xe hơi nối nhau tốp chạy ra, tốp chạy vô coi không dứt. Phụng ngó mông một hồi rồi xây lưng trở vô nhà. Chàng vặn đèn phía trước sáng lòa rồi lại bàn viết mà ngồi, chống tay trái mà đỡ cái trán, đầu nghiêng một bên, mắt ngó sững vô vách tường coi bộ bàng-hoàng tư-lự lung lắm. Trong căn nhà của Phụng ở, bàn ghế dọn sơ-sàì, chớ không hực-hỡ như các căn khác trong dãy phố đó. Phía trước có một bộ ván gỗ nhỏ, với một cái ghế bố để nằm chơi, Chính giữa có một cái bàn vuông với một cái ghế để tiếp khách, một bên có một cái bàn viết chứa sách đầy chồng, sách Tây sách quốc-âm xốc lộn-xộn, không có thứ-tự. Còn phía trong thì chỉ có một cái giường để ngủ, với hai cái rương lớn để áo quần mà thôi; bàn rửa mặt thì để dưới nhà bếp, mà chẳng có nồi ơ, chén bát chi hết. Trong nhà vắng hoe, khác với cảnh rần-rộ ngoài đường. Phụng cứ ngồi im-lìm cho đến chừng cái đồng-hồ nhỏ ở trên bàn viết chỉ 7 giờ, chàng mới đứng dậy, tắt đèn bước ra ngoài khóa cửa lại, rồi cầm chìa khóa đi lại nhà ông Phán Thành, ở cách đó năm căn mà ăn cơm tối. Ông Phán Thành hồi trước giúp việc tại sở Thương chánh kể đến 33 năm, ông mới được hưởng hưu-trí hồi năm ngoái. Vợ chồng ông không có con nhưng mà ông có một người con nuôi tên Tồn, đương làm việc trong một hãng buôn tại Sai-gòn. Vì vợ chồng không có vườn ruộng ở xứ nào hết, nên được hưu trí rồi ông cũng ở luôn tại Sài-gòn với con nuôi đặng hủ-hỉ cho vui. Bà Phán tuy đã trên 50 tuổi rồi, song bà còn mạnh khỏe bởi vậy mấy thầy chưa vợ ai muốn ăn cơm tháng thì bà sẵn lòng nấu giùm.