Info
Hồi đầu những năm 90, trong một cuộc thăm dò dư luận ở Thượng Hải, người dân Trung Quốc được quyền bình chọn những nhà văn mình yêu quý nhất. Ông Vương Sóc đã được xếp thứ ba sau Kim Dung và Lỗ Tấn.
Phát biểu tại Học viện chính sách cộng đồng Baker của Mỹ tháng 11 năm 1998, nhà văn Vương Mông, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá Trung Quốc đã nói về Vương Sóc như sau: "Vương Sóc có thể vui đùa trên mọi lĩnh vực, từ xã hội đến lối sống Mỹ, v.v... Ông có một tâm thế đặc biệt đến nỗi, ông luôn luôn tìm ra những điểm khôi hài trong mọi thế hệ người dân Trung Quốc. Câu nói nổi tiếng của ông là: "Tớ là kẻ bất lương, việc gì tớ phải sợ ai ?". Vương Sóc cũng từng viết: "Thời xưa, luôn luôn có những kẻ bất lương trong số các nhà văn nhà thơ. Còn ngày nay thì lại rất nhiều nhà văn nhà thơ là những kẻ bất lương". Sách của Vương bán rất chạy, chính vì vậy rất nhiều cây bút căm thù ông đến cùng cực. Họ bảo Vương đích thực là một kẻ bất lương, vừa bần tiện, vừa vô học, lại còn thoái hoá nữa. Họ chỉ trích ông là điếm nhục của văn chương Trung Quốc. Ðến bản thân tôi cũng bị khiển trách vì trong một lúc nào đó tôi đã tìm cách bảo vệ ông ấy. Ðến mức, có khá nhiều nhà văn trẻ tài năng bạn bè tôi cũng hiểu nhầm tôi...".
Vương Sóc sinh năm 1958 tại Bắc Kinh trong một gia đình quân nhân. Năm 1976, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Vương Sóc đi bộ đội, làm y tá ở một đơn vị hải quân. Năm 1978 tác phẩm đầu tay "Chờ đợi" ra đời. Năm 1980 ông được điều về toà soạn tạp chí "Văn nghệ quân giải phóng". Sau khi phục viên ông về công tác ở Công ty Dược. Năm 1984, Vương Sóc xin thôi việc, làm nhà văn tự do, chuyên viết tiểu thuyết, kịch bản phim, tuỳ bút và phê bình văn học. Năm 1992, Văn tập Vương Sóc ra đời, gồm 4 cuốn, 31 loại, 1 triệu 60 vạn chữ. Tác phẩm chủ yếu của Vương Sóc là "Cô gái hàng không", "Mất đứt tình yêu của tôi", "Một nửa là ngọn lửa, một nửa là nước biển", "Nổi lên mặt biển", "Nghiền cho đã rồi chết", "Chúa gàn", "Chơi nhưng mà hồi hộp", "Tao là bố mày", "Ðộng vật hung dữ", "Xin chớ coi tớ là người"... Nhiều tiểu thuyết của Vương Sóc đã chuyển thành kịch bản phim như "Khát Vọng", "Câu chuyện ở ban biên tập", "Anh không phải là người thường", "Yêu em không thương lượng".... Văn của Vương Sóc hóm hỉnh, dí dỏm, phóng túng, thường hay dùng ngôn ngữ lưu hành ở đô thị, tự xưng là "tiểu thuyết mang mùi vị đô thị mới".
Sau một thời gian bảy năm gác bút đi buôn, lập Công ty làm kinh tế, tháng 3 năm 1999, Vương Sóc lại xuất hiện trên Văn đàn với tác phẩm hoàn toàn khác trước : "Trông vào đẹp lắm" có độ dài 233.000 chữ, do Nhà xuất bản Hoa Nghệ xuất bản lần đầu 200.000 cuốn. Tháng 8 năm 2000, Vương Sóc lại cho ra cuốn phê bình tiểu luận: "Người đẹp bỏ tôi thuốc bùa mê", dài 100.000 chữ do Nhà xuất bản Văn nghệ Trường Giang xuất bản, in lần đầu 200.000 cuốn.