Nhà văn Ma Văn Kháng từng làm thầy giáo nhiều năm ở Lào Cai. Sau lại có thời gian ngắn ông được điều sang làm thư ký cho bí thư tỉnh ủy Lào Cai. Hai chi tiết thuộc về tiểu sử tác giả này đã được ông gắn vào tiểu sử nhân vật Toàn, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông
Một mình một ngựa (Nhà xuất bản Phụ Nữ). Bởi thế, về mặt nào đó đây là cuốn tiểu thuyết ít nhiều mang tính tự truyện. Nó là ánh hồi quang của quá khứ trong hiện tại.
Quá khứ ấy là những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, thu hẹp lại trong không gian của một tỉnh miền núi phía Bắc. Hẹp nữa, nó là văn phòng tỉnh ủy với ông bí thư, các ông thường vụ, các ông trợ lý của các ông thường vụ, rồi những nhân viên văn phòng...
Không nhiều nhưng cũng đủ để thấy được sự đa dạng và tính phức tạp của một tiểu xã hội. Tất cả hiện lên qua cái nhìn “khám phá” của Toàn, một thầy giáo dạy văn được điều về văn phòng làm thư ký cho bí thư tỉnh ủy: hình như ở đây ai nấy đều bị đặt nhầm chỗ. Họ phải làm những công việc không phù hợp khả năng của mình. Họ phải sắm những vai không vừa với phẩm chất vốn có. Ví như năm ông trong ban thường vụ tỉnh ủy.
Những con người giữ cương vị ấy không phải bằng tài năng mà nhờ những ngoắt ngoéo ngẫu nhiên (nhưng cũng là tất yếu) của “phong trào”! Hàng loạt chuyện bi hài, dở khóc dở cười đã xảy ra từ những con người bị đặt nhầm chỗ này. Đó là những chuyện mà nếu không phải là người “trong chăn”, tác giả sẽ không biết và không thể kể lại một cách hoạt kê, lý thú đến thế.
Bị đặt nhầm chỗ còn là những người mà Toàn yêu mến thật lòng: ông trợ lý Đồng - một hảo hán, và nhất là ông bí thư tỉnh ủy Quyết Định. “Một mình một ngựa xông lên” (tiếng Tày: khắc điêu khúy tu mạ xông khẩn) là câu để nói về một hành động anh hùng của ông Quyết Định: 20 tuổi, ông thay mặt Tổng bộ Việt Minh một mình một ngựa từ Yên Bái vượt sông Chảy vào hang ổ của các thổ ty, chúa đất vùng núi Hoàng Liên thuyết phục họ.
Ông Quyết Định có quá khứ đủ sức thuyết phục quần chúng, ông có nhiệt tình cách mạng, có tinh thần cống hiến bất tư lợi, nhưng như thế là chưa đủ đối với một người phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của toàn bộ người dân một tỉnh. Đằng sau việc nhắc lại nhiều lần cụm từ “một mình một ngựa”, chừng như là một tiếng thở dài nuối tiếc và bất lực của quá khứ chiến đấu trước hiện tại sản xuất.
Đã hơn 20 năm kể từ khi nhà văn Ma Văn Kháng cho ra mắt những
Mưa mùa hạ,
Mùa lá rụng trong vườn,
Đám cưới không có giấy giá thú. Sự quyết liệt về mặt luận đề ở các tác phẩm nói trên không lặp lại trong Một mình một ngựa, nhưng bù lại cuốn tiểu thuyết này có cái nét ngậm ngùi rất khó lẫn. Cái ngậm ngùi của người đã kinh qua sóng gió cuộc đời, cái ngậm ngùi của người biết quá rõ sự bất toàn của quá khứ và cũng là người hiểu thấu rằng đó chính là một phần không thể tách rời ký ức của mình. Một mình một ngựa - ánh hồi quang của quá khứ hắt trên con người hiện tại.
NGUYỄN HOÀI NAM
(Báo Tuổi trẻ)
TIỂU THUYẾT CÙNG MỘT NGƯỜI VIẾT
- Đồng bạc trắng hoa xòe (1980)
- Mưa mùa hạ (1982)
- Vùng Biên ải (1983)
- Trăng non (1984)
- Mùa lá rụng trong vườn (1985) (Giải B Hội Nhà văn Việt Nam)
- Đám cưới không có giấy giá thú (1989)
- Côi cút giữa cảnh đời (1989)
- Chó Bi, đời lưu lạc (1992)
- Ngược dòng nước lũ (1999)
- Gặp gỡ ở La Pan Tẩn (2001)
- Một mình một ngựa (2009) (Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2009)