Info
“Ngày mười tháng bảy, năm Dân Quốc thứ mười (1922) tại Trấn Bạch Sa, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Lần đầu tiên Mộng Hân nhìn thấy bảy tấm cổng tam quan nguy nga nhà họ Tăng, đó là một buổi sáng mùa Hạ. Đó cũng là cái ngày trọng đại nhất trong đời con gái của nàng: Mộng Hân đi lấy chồng. Hôm ấy, không những Mộng Hân thấy được những cửa tam quan danh bất hư truyền của nhà họ Tăng, mà còn hiểu thế nào là uy thế có một không hai của họ, cũng là ngày đầu Mộng Hân thấy mặt Tăng Tịnh Nam, chồng nàng, và một người đàn ông khác, mà sau đó gần như gắn liền với đời nàng. Đó là Giang Vũ Hàng, mãi mãi nàng sẽ không bao giờ quên những gì xảy ra trong buổi sáng hôm ấy. Trấn Bạch Sa hôm ấy, có thể nói là nhộn nhịp khôn cùng. Gần như dân của cả trấn đã đổ xô hết ra đường. Ngay từ sáng sớm, họ đã tụ lại trước cổng nhà họ Tăng. Họ nôn nóng chờ đợi để được xem cô dâu mới làm lễ bái “Cổng sắc phong”. Đây là quy luật của nhà họ Tăng, và chỉ có nhà họ Tăng mới có quy luật này. Nhà họ Tăng đã nổi tiếng xa gần nhờ bảy cổng sắc phong vua ban đó và đây không chỉ là danh dự của riêng họ Tăng mà còn là của cả trấn Bạch Sa này. Nó gồm các cổng Công Đức, Trung Nghĩa, Trinh tiết, Hiếu để, Hiền lương, Liêm chính và Nhân ái. Với một gia đình có đủ bao nhiêu đức tính tốt như vậy, tiếng tăm vang đến tận triều đình, để Hoàng Đế phải xuống chiếu xây cổng sắc phong ban tặng, thì thật là không phải dễ. Trách chi họ Tăng chẳng lấy đó làm điều kiêu hãnh với mọi người. Nhưng cũng chính vì nguyên nhân này, mà lại phát sinh ra lắm tục lệ quái dị, trong đó có tục cô dâu phải ra lễ bái cổng sắc phong rồi mới được vào nhà chồng một cái tục vô nghĩa, nhưng khá rầm rộ. Đã ba mươi năm qua, nhà họ Tăng chẳng có lấy một lễ cưới. Cái lễ trước đây thì đã khá lâu, lúc Tăng Mục Bạch lập gia đình, nhà họ Tăng mấy đời hơi hiếm muộn. Cả ba đời qua, họ đều là “một cây một quả”. Vì vậy Tăng Tịnh Nam cũng là con trai duy nhất, nên nếu lần ấy mà chẳng đi xem cô dâu mới lễ bái “cổ sắc phong”, thi hẳn là phải chờ những hai hoặc ba mươi năm nữa mới có dịp xem lại…”