Info
Đối với Trung Trung Đỉnh Tây Nguyên là tất cả cuộc đời anh. Là nỗi ám ảnh là sự mê hoặc, là sự rơi chìm, nhấn chìm, trùm lên toàn bộ cuộc đời anh, mê mẩn suốt đời, không có cách gì rút ra, thoát ra được, cho đến chết ... Anh đã sáng tạo ra được một cách viết mới về Tây Nguyên, và do đó đã khám phá lại cho ta một lần nữa cái thế giới Tây Nguyên khiêm nhường, lẩn khuất mà tuyệt đẹp ấy. Nội dung cuốn truyện kể về những ngày bị lạc, và bị bắt về sống cùng những người dân tộc Bah Nar của Bình trong cuộc kháng chiến chống Mĩ ở miền Nam. Ở đây còn nêu cao tinh thần chiến đấu của người dân nơi này thật quyết liệt. Trung Trung Đỉnh đã thuật lại của sống của những người dân ở đây rất chân thật. Tuy ở vùng xa của tổ quốc nhưng tinh thần đấu tranh của họ luôn xuất hiện trong mỗi con người. “Tôi rút khỏi hang đá lúc chập choạng tối. Khi ấy tôi chẳng nghĩ được gì nhiều, ngoài việc làm thế nào thoát khỏi họ, những người khác tộc mà tôi rất sợ hãi. Rõ ràng họ đang trù tính hại tôi, nếu tôi không tự tìm cách giải thoát. Mới đầu tôi giả vờ ngủ, trong lúc họ xúm quanh đống lửa nướng những con chuột, những con nhái đá. Rồi họ uống rượu cần, ăn thứ thịt nướng khét mù ấy, thì thầm to nhỏ. Tôi cố nằm im, he hé mắt quan sát. Hình như họ đang bàn cách khử tôi, và tôi lạnh xương sống mỗi lần trong số họ có người bỗng dưng nói to, hoặc bỗng dưng đứng dậy. Cuối cùng rồi cũng êm. Họ lơ mơ say, nằm ngả ngốn ngủ. Tôi lựa thời cơ chuồn lẹ ra cửa hang. Họ là đám dân chạy địch càn, hoặc đại loại giống như vậy. Còn tôi, một chú lính miền Bắc mới vô, sau trận đánh đầu tiên, bị lạc đơn vị. Họ tóm được tôi khi tôi liều lĩnh mò vào đám rẫy cũ đào những khóm sắn, kiếm cái ăn. Ba khẩu súng chĩa vào tôi khi tôi đang hí húi dùng dao găm đào. Tôi kinh hoàng ngã bật ngửa. Họ dùng báng súng đè cổ tôi xuống. Tôi giãy giụa trong cơn tuyệt vọng, hoàn toàn bản năng. Họ trói tôi bằng dây dù, giật cánh khuỷu, đẩy tôi về hang. Tôi rên rỉ khóc vì khiếp sợ và vì không hy vọng van xin để thoát. Họ lầm lũi và lạnh lùng đến căng thẳng. Mỗi người cầm một con dao quắm đi ra, đi vào. Có người khoác cả cây cung, hình như để uy hiếp tôi. Tôi không thể tả được nỗi sợ hãi và tủi phận của mình, cho mãi tới khi có một người trẻ tuổi đi đâu đó về. Anh ta cũng trạc tuổi tôi. Người trẻ tuổi cởi trói cho tôi trong khi những người kia sôi nổi bàn tán gì đó. Hình như họ đang nói về tôi thì phải. Tôi không biết tiếng họ, chưa có khái niệm gì về phong tục tập quán cũng như lề lối sinh hoạt của họ. Tôi thấy người trẻ tuổi nhìn tôi không có vẻ ác ý và tôi nhìn lại, thầm hy vọng anh ta hiểu cho hoàn cảnh của tôi. Tôi thấy anh ta cũng đóng khố cởi trần, nét mặt cương nghị, từng trải nhưng non tơ và hiền hậu…”