Info
DÒNG KÝ SỰ VIẾT VỀ CHIẾN TRANH
Giai đoạn văn học 1945- 1975 có một ý nghĩa quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Đây là giai đoạn hình thành và phát triển của nền văn học mới, một nền văn học phục vụ công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh chiến tranh và cách mạng, cùng với những loại hình văn học khác, ký đã tỏ rõ ưu thế và sức mạnh của thể loại trong phản ánh hiện thực và con người thời đại. Thể ký thường nở rộ và thịnh hành vào các thời kỳ văn học ứng với những thay đổi lớn lao, những bước ngoặt trọng đại của đời sống dân tộc. Nếu yêu cầu nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại và tác phẩm là bức tranh chân thật về đời sống thì ký là thể loại giúp chủ thể sáng tạo hoàn thành sứ mệnh của mình một cách thuận lợi nhất. Với đặc trưng thể loại là tính thời sự, năng động, ký có khả năng ghi nhận và chuyển tải sự kiện đời sống và con người một cách nhậy bén và nóng hổi nhất. Dòng ký chiến tranh đã xuất hiện và đã góp một tiếng nói đầy hiệu quả trong việc phản ánh hiện thực lúc bấy giờ. Nhiều tác phẩm ký có giá trị lần lượt ra đời, góp phần tạo nên diện mạo đa dạng của đời sống văn học. Đó là những sáng tác phản ánh kịp thời, nhiều mặt của hiện thực đời sống bề bộn và phong phú, xứng đáng là đội quân xung kích của văn học nghệ thuật. Trong đó, ký sự là một tiểu loại thuộc loại hình ký đã làm tròn chức năng nghệ thuật của mình và đã gặt hái những thành tựu đáng ghi nhận.
Ký sự ghi chép và tái hiện một sự kiện, một câu chuyện tương đối hoàn chỉnh, đưa một lượng thông tin nóng, cập nhật và giàu giá trí biểu cảm đến với người đọc. Từ những sự việc cụ thể và sinh động toát lên chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Ký sự có quy mô tương ứng với truyện ngắn, truyện vừa hoặc tiểu thuyết nhưng viết về người thật, việc thật mà tác giả là người trong cuộc, trực tiếp chứng kiến hay được nghe kể lại, được nắm giữ tư liệu một cách tường tận, tỉ mỷ về sự việc và con người ở một thời điểm, một không gian và địa danh cụ thể. Ký sự cũng gần với truyện nhưng có quan điểm của thể loại: tôn trọng sự thật khách quan của đời sống. Bởi vậy, người viết ký luôn có ý thức đẩy người và việc lên phía trước, đưa những xung đột tính cách và hoàn cảnh lùi lại ở phía sau, đảm bảo tính xác thực của hiện thực đời sống được phản ánh trong tác phẩm. Sự việc diễn biến theo trình tự thời gian làm nên tình huống và kết cấu của thiên ký sự. Thực tế của đời sống cách mạng và kháng chiến của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã tạo nhiều chất liệu cho ký sự phát triển.
Hàng loạt ký sự xuất hiện đã ghi lại khá đầy đủ diện mạo và tiến trình, các thời đoạn và sự kiện chủ yếu của đời sống đất nước và con người Việt Nam trong ba mươi năm chiến tranh và cách mạng. Những ký sự :
Trong rừng Yên Thế, Trận Phố Ràng (Trần Đăng),
Trận Thanh Hương (Nguyễn Khắc Thứ),
Ký sự Cao Lạng (Nguyễn Huy Tưởng) v.v... đã ghi chép rất chân thật những diễn biến phức tạp, gay go của các trận đánh, các chiến dịch của quân và dân ta với kẻ thù trong kháng chiến chống Pháp. Tiếp đến những ký sự
Chúng tôi ở Cồn Cỏ (Hồ Phương),
Sóng Hòn Mê (Hoàng Văn Bổn),
Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (Hoàng Phủ Ngọc Tường),
Ký sự miền đất lửa (Nguyễn Sinh - Vũ Kỳ Lân),
Tháng Ba ở Tây Nguyên (Nguyễn Khải),
Bắc Hải Vân xuân 1975 (Xuân Thiều) v.v... đã ghi lại một cách trung thực, đầy xúc động những diễn biến của sự kiện vĩ đại vào bậc nhất trong lịch sử chống xâm lược của dân tộc, giành lại độc lập và thống nhất đất nước của đồng bào và chiến sĩ cả nước trong kháng chiến chống Mỹ. Dòng ký sự ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước kể trên, mang đậm cảm hứng lịch sử và dân tộc hoà quyện với âm điệu hùng tráng, lãng mạn đã thực sự khẳng định vị trí của ký sự viết về chiến tranh trong thời kỳ lịch sử đầy kỳ tích và bi tráng của dân tộc.
Loại hình ký bao gồm nhiều tiểu loại ký. Ở đây, chúng tôi mới chỉ đề cập tới một trong những mũi nhọn của ký là thể ký sự. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tập ký sự viết về chiến tranh, tuyển chọn những tác phẩm ký sự tiêu biểu của giai đoạn văn học chiến tranh và cách mạng (1945 - 1975), như là một tập hợp bước đầu, chưa thật đầy đủ nhưng ở một mức độ nhất định cũng đã mang ý nghĩa đại diện cho các sáng tác ký sự của giai đoạn này.
BÍCH THU
* DÒNG KÝ SỰ VIẾT VỀ CHIẾN TRANH (Bích Thu)
* MỘT LẦN TỚI THỦ ĐÔ (Trần Đăng)
* TRẬN PHỐ RÀNG (Trần Đăng)
* TRÊN ĐUỜNG SỐ 4, 15 CÂY SỐ GIỮA THẤT KHÊ - LŨNG PHẦY (Trần Đăng)
* MỘT CUỘC CHUẨN BỊ (Trần Đăng)
* TRẬN THANH HƯƠNG (
Trích) (Nguyễn Khắc Thứ)
* KÝ SỰ CAO LẠNG (Nguyễn Huy Tưởng)
* KÝ SỰ MẶT TRẬN (Võ Trần Nhã)
* NHỮNG NGƯỜI ĐANG CHIẾN ĐẤU (Lê Văn Thảo)
* CHÚNG TÔI Ở CỒN CỎ (
Trích) (Hồ Phương)
* NGÔI SAO TRÊN ĐỈNH PHU VĂN LÂU (Hoàng Phủ Ngọc Tường)