Info
Sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ (30-4-1975) nhiều chính khách và tướng tá của Mỹ và Việt Nam cộng hòa đã viết nhiều sách, báo, hồi ký để lý giải thất bại. Phần lớn các tác giả này dành nhiều giấy mực để thanh minh việc làm, những lỗi lầm, trách nhiệm của mình, của tập đoàn, phe phái mình, đồng thời đổ tội lên án những người, những phe phái khác và giải bày để trang trải ân oán, tâm trạng riêng tư. Với Hoành Linh Đỗ Mậu, do những đặc điểm có lợi thế riêng đã có cách nhìn, cách nghĩ khác độc đáo và phần nào xác thực nên qua hồi ký của ông, chúng ta có thể tham khảo để xem xét thêm những chuyện diễn ra phía bên kia trận tuyến của một giai đoạn lịch sử chống ngoại xâm quan trọng của đất nước mà chúng ta còn cần tiếp tục nghiên cứu.Đỗ Mậu xuất thân là Đội khố xanh, từng đứng trong hàng ngũ Việt Minh kháng chiến, là tâm phúc Ngô Đình Diệm, cùng Diệm đi theo Nhật đi theo Mỹ để chống Pháp, chống cách mạng nhưng rồi lại tham gia lật đỗ chế độ Diệm, là một nòng cốt của đảo chính lại bị nhóm "chỉnh đốn" bắt đi đày... Với một cuộc đời đầy biến động phức tạp như vậy lại có thêm nhiều năm là Giám đốc An Ninh Quân đội Sài Gòn, Đỗ Mậu có điều kiện để hiểu rộng biết sâu, có nhiều tâm tư. Nay viết lại hồi ký cuộc đời, ông ta xác định rõ: "Mục đích lớn nhất của tôi vẫn là nói lên sự thật, những sự thật đã vì hiện trạng tế nhị của đất nước mà các nhân chứng chưa nói ra, hoặc sự thật mà vì cố chấp, hẹp hòi, sợ hãi đã bị một số người trình bày một cách sai lạc hoặc nhiều khi cố tình xuyên tạc" (Chương 20).Mặc dù còn có nhiều hạn chế do cách nhìn cách nghĩ xuất phát từ lập trường chống Cộng thâm căn cố đế nhưng hồi ký của Đỗ Mậu vẫn vạch ra được những sự thật sinh động về các sự kiện, các lực lượng chính trị, các tôn giáo đảng phái, những bộ mặt chính khách, tướng tá tiêu biểu trong chính trường miền Nam suốt cả một giai đoạn dài. Qua tập hồi ký này, bạn đọc sẽ có thêm một tài liệu tham khảo về con người, sự việc, một bức tranh sinh động về đời sống chính trị - xã hội miền Nam Việt Nam trước 1975.