Info
Con người trong tình bạn và tình yêu, tồn tại với sự sống và khi đối diện trước cái chết, giữa những gấp khúc của không gian và những đan xen của thời gian; tất cả quyện hòa vào nhau trong Hẹn em ngày đó để làm nên tên tuổi của một trong những nhà văn đương đại Pháp nổi danh bậc nhất trên văn đàn thế giới, mang tên Guillaume Musso.Bắt đầu từ xứ sở Campuchia của những ngọn tháp Angkor huyền bí, giữa những cánh rừng nhiệt đới, dày và xanh mướt, trải dài, nơi người bác sĩ 60 tuổi đến từ San Francisco, Elliott Cooper theo tiếng gọi của số phận, gặp gỡ một ông già địa phương để thực hiện ước muốn lớn nhất của cuộc đời mình trước khi chết, đó là "gặp lại" người đàn bà duy nhất có ý nghĩa đối với ông, người phụ nữ duy nhất mà ông đã từng yêu, Ilena Cruz, người đã qua đời trước đó 30 năm. Đó cũng là ý nghĩa dẫn giải cho đề từ của tác phẩm: “Tất cả chúng ta đều từng đặt ra ít nhất một lần câu hỏi này: nếu như có may mắn được quay lại, chúng ta sẽ thay đổi điều gì trong cuộc đời mình? Nếu được làm lại, ta sẽ tìm cách sửa chữa lỗi lầm nào? Sẽ lựa chọn xóa đi nỗi đau nào, sự ân hận, niềm hối tiếc nào? Liệu ta có dám mang lại một ý nghĩa mới cho sự tồn tại của mình hay không? Nhưng để trở thành ai? Để đi đến đâu? Và cùng với ai?”.Bằng những viên thuốc huyền bí của ông già người Campuchia, Elliott thực hiện những hành trình quay lại quá khứ để đối diện với chính mình trong hiện tại và của 30 năm về trước, cuộc gặp gỡ lạ kỳ ngỡ vô thực được tác giả xây dựng xung quanh những giấc mơ như sự bùng vỡ của ký ức nén chặt trong tiềm thức; hiện thực và hư vô trộn lẫn, đan xen vào nhau, những lớp thời gian chồng lấp lên nhau để con người cuối cùng chứng nghiệm cho số phận nhỏ nhoi của mình giữa cuộc đời. Tất cả còn lại gì ngoài một tình yêu vĩnh cữu để khi được nhìn lại khuôn mặt người yêu mỉm cười, thời gian không còn tồn tại nữa… Để rồi, trong một lúc nào đó, con người mong được như Elliott khi “tới giờ phút thiên định ấy, ông sẽ ra đi, tâm hồn thanh thản, vì ông biết rằng vẫn còn một phần nào đó của ông còn lưu lại ở bên kia cõi vĩnh hằng”.Với Hẹn em ngày đó, Guillaume Musso đã “trình diễn kỹ năng tạo cảm giác hồi hộp tột độ với hiệu quả không thua kém những bậc thầy kinh dị Mỹ” (L’Expresse). Nhưng trên hết, nhà văn đã thành công trong việc đặt con người trước những tra vấn nền tảng của mình, đó là những suy nghĩ về tình yêu và tình bạn, những mất mát và sự cô đơn, giữa sự sống và cái chết… Con người đã làm gì, đang làm gì và còn sẽ làm gì. Nỗi sợ hãi của Elliott cũng chính là nỗi lo sợ của mọi con người, “phía trước, chỉ còn có cái chết và sự sợ hãi đang đón chờ ông. Nỗi sợ khi thấy cơ thể mình suy yếu dần. Nỗi sợ phải chịu đau đớn và đánh mất khả năng tự chủ. Nỗi sợ sẽ chết cô độc trong một căn phòng lạnh lẽo của bệnh viện. Nỗi sợ phải bỏ lại đứa con gái của mình trên cái thế giới đầy bất ổn này. Nỗi sợ rằng suy cho cùng, cuộc đời của ông đã chẳng có chút ý nghĩa nào. Và nỗi sợ điều sẽ chờ ông sau đó. Một khi ông đã từ bỏ linh hồn và dấn sâu vào thế giới bên kia”. Báo Thanh Niên