Info
Chờ đợi Godo là vở kịch đầu tay của Xamuyen Bêckét, nhà văn Pháp, gốc Iếclăng, sinh ngày 13-4-1906 tại Dublin. Bêckét đã được tặng giải thưởng Nobel năm 1969. Bêckét bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình qua hình thức tiểu thuyết và chịu ảnh hưởng của nhà văn Giêm Gioixơ (Cũng là nhà văn Iếclăng) rất nhiều.
Từ đầu thập kỷ 50, Bêckét chuyển sang viết kịch và trở thành chủ tướng của phái "kịch phi lý". Qua Chờ đợi GôĐô viết năm 1952, Bêcket muốn nói lên cái vô nghĩa của cuộc sống ở giai đoạn hậu kỳ tư bản chủ nghĩa ở Châu Âu.
Tại một chốn hoang vu, hai kẻ lang thang nghèo khổ chờ đợi GôĐô. GôĐô là ai? Đó cũng chỉ là một cái tên không tồn tại, (Bêckét đã giải thích, đó cũng có thể coi như biến âm của từ Gott, có nghĩa là Thiên Chúa). Trong lúc mòn mỏi chờ đợi thì gặp một kẻ tham quyền và một gã bất lực đi qua, được biểu tượng hoá qua tên chủ độc ác, hợm hĩnh là PôĐô và Lacky, người đầy tớ trí thức đã bị đần độn hoá. Gôđô không đến. Và hai kẻ lang thanh cũng không rõ là GôĐô có hứa đến hay không, cũng chẳng rõ mính chờ đợi ở GôĐô điều gì cụ thể nữa. Ngày hôm sau, cảnh chờ đợi lại tiếp diễn. PôĐô và Lacky lại đi qua, nhưng PôĐô thì đã mù loà và Lacky thì bị câm hoàn toàn. GôĐô vẫn không đến và không bao giờ đến. Hai kẻ lang thang vĩnh viễn đợi chờ trong nỗi khắc khoải bất tận.
Vở Chờ đợi Godo đã được trình diễn lần đầu vào năm 1953 và sau đó được dàn dựng ở hầu khắp sân khấu thế giới.
Nhiều nhà phê bình cho đây là một vở kịch có tính khái quát cao. Năm nhân vật đều tượng trưng cho một tầng lớp nhất định. Từng chi tiết, từng sự kiện đều gợi lên những biểu tượng cụ thể. Cuộc sống ở đây trống rỗng, vô nghĩa và lối thoát thì mơ hồ. Con người u u minh minh, sướng khổ không tự biết, muốn gì cũng không hay, dù có muốn giải thoát cũng lại không hành động... Vở kịch làm cho người xem phải giật mình, chiêm nghiệm lại cuộc sống và suy nghĩ lại cách sống của mình.
Tất nhiên cách nghĩ về cuộc đời cũng như sự mô tả cuộc sống của tác giả có những điều không phù hợp với cách nghĩ và thực tế ở Việt Nam. Nhưng Chờ đợi GôĐô là một tác phẩm nổi tiếng, đại diện cho một trào lưu, cũng đáng để chúng ta tham khảo.
Người dịch.