Info
Những nhân cách tha hoá, những tâm hồn mục ruỗng dưới áp lực của hư danh và tiền bạc. “Bốn năm phấn hồng” là những cuộc chiến khắc nghiệt của các nữ sinh chống lại những thử thách của hoàn cảnh: đơn độc, thiếu thốn, bị ức hiếp, bị thôi miên bởi đồng tiền và dục vọng. Càng nếm trải cuộc sống, họ càng chua chát nhận ra tính thị trường hoá của nó…Di Phấn Hàn, Tô Tiêu, La Nghệ Lâm, Trịnh Thuấn Ngôn, Trương Hàm Yên, Trần Thuỷ, Diệp Ly, Lưu Sa Sa, mỗi cô gái một tính cách, một tâm tư, một lối sống, họ là những đại diện của thế hệ sinh viên mới.Khác nhau về quê hương, hoàn cảnh gia đình nhưng họ đã cùng nếm trải những áp lực của cuộc sống xa nhà trong bốn năm kí túc xá.“Bốn năm phấn hồng” là những cuộc chiến khắc nghiệt của các nữ sinh chống lại những thử thách của hoàn cảnh: đơn độc, thiếu thốn, bị ức hiếp, bị thôi miên bởi đồng tiền và dục vọng. Càng nếm trải cuộc sống, họ càng chua chát nhận ra tính thị trường hoá của nó: hàng hoá gia sư, hàng hoá bạn trai, hàng hoá sắc đẹp, hàng hoá tình yêu,… ai trong số các thiếu nữ chưa từng bị lừa trong các cuộc mua bán trá hình này: Trần Thuỷ bị lừa mất sự trong trắng, Lưu Sa Sa sa lầy bán dâm và tự sát, Diệp Ly ăn cắp và bị đuổi học, Tô Tiêu cặp bồ có thai phải đi phá,…. Vấp ngã và đau đớn, và khóc nhưng vẫn phải sống. Bởi cái chết của Lưu Sa Sa lơ lửng trên đầu họ như một lời cảnh cáo cho những kẻ muốn bỏ dở cuộc chơi.Cuốn sách giống như một sự lộn trái đời sống đại học. 439 trang giấy đầy rẫy những toan tính xảo quyệt hay khờ dại. Tô Tiêu hết xoay xở để trở thành tâm điểm thu hút sự tán tỉnh của các chàng trai đến tính toán bồ bịch với đại gia giầu có; La Nghệ Lâm dã tâm như Tư Mã Chiêu, lúc thường thì khinh người, bắt nạt mọi người trong phòng kí túc xá nhưng khi tranh cử lớp trưởng thi xả thân hầu hạ, xu nịnh người khác, sau này lại yêu gã bí thư đoàn trường vừa xấu người xấu tính để dễ thăng tiến chính trị; ngay cả một cô gái không tầm thường như Trịnh Thuấn Ngôn cũng từng đặt điều với người yêu để bôi nhọ Tô Tiêu,….Đồng thời, dường như không ở đâu những thói tật kinh niên của nữ sinh được miêu tả trần trụi và đầy ám ảnh như trong “Bốn năm phấn hồng”: từ thói “buôn dưa”, thói tỵ nạnh đến bệnh hình thức. Sức mạnh sát phạt của miệng lưỡi con gái hiện lên qua cái lưỡi chua ngoa cay nghiệt của La Nghệ Lâm, qua cái lưỡi “nói ngọt lọt đến xương” lẳng lơ của Tô Tiêu đến cái mồm nói như máy khâu của Trần Thuỷ.