Tình sử Angélique của Sergeanne Golon là một thiên tình sử của văn học Pháp. Đây là một bộ tiểu thuyết lớn, gồm nhiều cuốn, mỗi cuốn có một phụ đề riêng. Angélique, tên một loài cây có hương thơm, cũng là tên cô gái, nhân vật trung tâm của câu chuyện.
Là con thứ năm của một gia đình quý tộc tỉnh lẻ đã sa sút, Angélique lớn lên giữa đám bạn bè cùng quê và cảnh hương đồng cỏ nội. Chắc chắn đó là một trong những yếu tố quan trọng đã góp phần tạo nên tính cách cô gái: táo bạo, bướng bỉnh, giàu nghị lực và ít nhiều hoang dã. Những tính cách đó, cùng với sắc đẹp mê hồn đã giúp nàng vượt qua cả một chuỗi dài những thử thách khắc nghiệt mà bàn tay số phận đã cố tình bày đặt.
Bị cha mẹ ép gả cho Bá tước De Peyrac cực kỳ giàu có nhưng thọt chân, mặt đầy sẹo, Angélique thoạt đầu phản kháng kịch liệt. Tuy vậy, dần dần nàng nhận ra trong con người tật nguyền này là một nhà bác học lỗi lạc, một nghệ sỹ kỳ tài, con người có trái tim nồng nhiệt, tinh tế và cũng hết sức kiêu hãnh. Chính giữa lúc tình yêu của hai người đang lên tới độ nồng nàn nhất, Bá tước bị Vua Louis 14 và Giáo hội ganh ghét, tống giam vào ngục Bastile.
Một mình giữa thủ đô Paris xa lạ và thù nghịch, Angélique tính "chọc trời khuấy nước" để cứu chồng. Nhưng nàng đã thất bại. Bá tước bị kết án tử hình và bị thiêu trên dàn lửa. Angélique rơi vào cảnh ngộ éo le: phải trở thành nhân tình của Nicolas, một người bạn thuở thiếu thời nay là tướng cướp. Rồi cũng chỉ với nghị lực, sắc đẹp và nữ tính của mình, nàng thoát khỏi vũng lầy và trở lại chiếm lĩnh vị trí của mình trong đời sống quý tộc để tìm cách trả thù cho chồng.
Nội dung tác phẩm bao quát một phạm vi rộng cả về không gian và thời gian, nhưng quy tụ trước hết vào nhân vật Angélique. Bạn có thể thấy ở đây hàng loạt diễn biến tâm lý cực kỳ phức tạp trong một cô gái, từ những ngơ ngác hồn nhiên buổi ban đầu, cho đến khi đối mặt với mưu ma chước quỷ, với thần quyền và bạo lực chính trị. Chính cái nền xã hội mà tác giả cố ý tô đậm để làm nổi bật nhân vật đã tạo cho tác phẩm một ý nghĩa hiện thực sâu sắc. Giới quý tộc, thầy tu và tư bản tài chính mới phất lên câu kết thành thế lực thống trị đã bị lộn trái ra, phơi bày hết mọi mưu mô xảo quyệt, sự tàn ác, sự lừa lọc, trụy lạc đến cùng cực. Một thực trạng dẫn đến sự ra đời của Đại Cách mạng 1789.
Cũng hơi giống với trường hợp bộ tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Sergeanne Golon (tên ghép của hai vợ chồng Serge Golon và Anne Golon)- tác giả của Tình sử Angélique trước đó chưa phải là nhà văn chuyên nghiệp. Chồng vốn là kỹ sư hóa học, nhà địa chất, vợ là bác sỹ. Tuy vậy, tác phẩm của họ ngay từ đầu đã gây một tiếng vang lớn trong đời sống nước Pháp và phương Tây. Riêng tại Mỹ, từ năm 1960 đến năm 1971 Angélique đã được in 12 lần, với số lượng 14 triệu bản. Chỉ con số ấy thôi đã đủ nói lên sức hấp dẫn kỳ lạ của Tình sử Angélique..