Info
“Âm thanh và cuồng nộ”, một tác phẩm bí hiểm nhất của W. Faulkner, không thể dùng ít lời để tóm tắt hay mô tả tác phẩm này. Các nhà nghiên cứu W. Faulkner thường so sánh tác phẩm này như một bản giao hưởng bằng ngôn ngữ gồm đủ bốn chương, thuộc trường phái ấn tượng, trong đó giới thiệu chủ đề, biến mất, tái hiện, để rồi bùng nổ một cách trọn vẹn trước khi kết thúc – mà các bạn sẽ thấy trong phần giới thiệu.
Với tôi, điều kỳ lạ, cũng là kỳ diệu nhất nằm ở nhân vật Benjy. Sinh ra thiểu năng, đần độn bẩm sinh, hay bị gọi là thằng khùng (nhưng có lẽ không khùng??). Năm ba mươi ba tuổi, là một thanh niên cường tráng khỏe mạnh về thể lực, nhưng không có một ý thức nào đối với cảnh vật xung quanh, lại càng không có khái niệm về thời gian…Cảm nhận như một con thú hoang dã với mọi bản năng căn bản của chúng. Nổi lên là bản năng tình yêu thương máu mủ ruột thịt với người chị Caddy, và bản năng giới tính. Dưới thân thể cường tráng sung sức, dù không cảm nhận được gì, nhưng mơ hồ, anh ta có một bản năng bị hấp dẫn của giống cái, (mà có lần anh xém nữa thì loạng quạng với các cô nữ sinh đi học về khi anh nhìn thấy họ từ bên này hàng rào). Và đây là điều kỳ diệu: dù thế, đối với chị Caddy, dù kề cận thân thiết, ngay cả có khi ngủ cùng, anh ta không hề, không bao giờ cảm thấy áp lực của bản năng này. Caddy lúc nào cũng “Có mùi như cây…Caddy mùi thơm như lá cây…”.
Khác hẳn với Quentin.
Các bạn có thể xem khá nhiều các bài viết về W. Faulkner trên mạng, hoặc đọc cảm nhận tác phẩm này trong “Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học” của Phạm Công Thiện, hoặc của cụ Bùi Giáng trong “Martin Heidegger và Tư tưởng hiện đại”.