Thiền học Trung Hoa khởi đầu từ Bồ-đề Đạt-ma, vị tổ sư đã khai mở pháp môn “truyền riêng ngoài giáo điển, chẳng lập thành văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Tuy nhiên, từ khi tổ Bồ-đề Đạt-ma đến Trung Hoa (vào khoảng năm 520) cho đến lúc Thiền tông Trung Hoa thực sự phát triển hưng thịnh, đã phải mất gần hai thế kỷ, truyền qua năm đời tổ sư, cho đến vị tổ thứ sáu là Huệ Năng (638 - 713) thì Thiền tông mới thực sự trở thành một trong những tông phái mạnh nhất của Phật giáo Trung Hoa. Với sự hoằng hóa của Lục tổ Huệ Năng ở đất Tào Khê, Thiền tông đã lan rộng ra khắp nơi và không bao lâu đã phát triển thành 5 tông Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn. Quả đúng như bài kệ nổi tiếng được cho là do tổ Đạt-ma truyền lại:
Nhất hoa khai ngũ diệp, Kết quả tự nhiên thành.
“Một hoa, năm cánh” quả đúng là thời kỳ Thiền tông cực kỳ hưng thịnh, và tông chỉ “thấy tánh thành Phật” của Sơ tổ Bồ-đề Đạt-ma đã trở thành đặc điểm nổi bật của Thiền tông Trung Hoa kể từ đó trở về sau. “Thành Phật” quả là mục đích tối thượng mà cho dù là Thiền tông, Giáo tông hay Mật tông cũng đều nhắm đến. Nhưng “thấy tánh thành Phật” thì duy nhất chỉ có Thiền tông nêu lên và dạy người thực hiện. Vì thế, những ý chỉ mà Tổ sư truyền lại qua bao nhiêu thế hệ vẫn luôn là sự cuốn hút không sao cưỡng lại được đối với những người quyết tâm học Phật. Thiếu Thất lục môn là một tác phẩm Hán văn hiện còn được lưu giữ trong Đại tạng kinh (bản Đại chánh tân tu), được xếp vào quyển 48, trang 365, số hiệu 2009. Tác phẩm được chia làm 6 phần, mỗi phần xem như trình bày một khía cạnh của vấn đề chung, luận giải về một phần nhận thức cần thiết trên con đường hướng đến sự giải thoát, hoặc vạch rõ những trở lực cần phải vượt qua trên con đường ấy, vì thế mà có tên là “lục môn”.
Tuy chia làm sáu phần, nhưng thật ra cũng có thể nói là toàn bộ tác phẩm đều thống nhất hướng đến việc nêu bật những vấn đề được xem là cơ sở của tông chỉ “thấy tánh thành Phật”. Một mặt, tính chất bổ sung cho nhau đã làm cho cả 6 phần này trở thành một khối kết cấu chặt chẽ, và do đó mà người học cần phải vận dụng đồng thời cả 6 phần của tác phẩm mới có thể nắm vững được những gì tạm gọi là những “luận thuyết căn bản” của tông chỉ “thấy tánh thành Phật”. Mặt khác, do tính chất liên quan mật thiết và nhất quán của các phần trong tác phẩm, nên khi người đọc thực sự nắm vững, thấu hiểu được một trong sáu phần, thì những phần còn lại cũng tự nhiên được thông suốt. Qua việc sử dụng hình thức vấn đáp tương tự như hầu hết các tác phẩm trong Luận tạng, tác phẩm cũng chỉ ra những cách hiểu sai lệch mà những người mới bước vào thiền rất dễ mắc phải. Vì thế, có thể xem đây là một trong số rất ít “giáo điển” quan trọng của Thiền tông, một tông phái vốn chủ trương “bất lập văn tự”.
Nhan đề của tác phẩm gợi sự liên tưởng mạnh mẽ đến tổ Bồ-đề Đạt-ma, bởi Thiếu Thất chính là tên gọi của ngọn núi nơi Tổ sư đã từng chín năm ngồi quay mặt vào vách, cũng là nơi Tổ sư truyền dạy pháp thiền cho Nhị tổ Huệ Khả và các vị đệ tử khác. Nội dung tác phẩm cũng chính là những gì mà Tổ sư đã từng truyền dạy. Hơn thế nữa, trong tác phẩm còn xuất hiện những bài kệ tụng mà xưa nay vẫn được tin là do chính tổ Bồ-đề Đạt-ma nói ra. Trước đây, trong bản dịch tác phẩm này được ấn hành vào các năm 1969 và 1971, học giả Trúc Thiên đã có phần xác quyết đây là tác phẩm của Bồ-đề Đạt-ma khi ông chính thức ghi tên vị tổ sư này ngoài bìa sách, mặc dù trong lời đầu sách ông có nêu lên nghi vấn về tác giả của tác phẩm và không hề đưa ra ý kiến xác quyết. Do sự tin tưởng chắc chắn rằng đây là tác phẩm của Bồ-đề Đạt-ma, nên ông cũng đặt nhan đề cho bản dịch của mình là “Sáu cửa vào động Thiếu Thất” để tạo mối quan hệ chặt chẽ hơn với nơi xuất phát của tác phẩm, đồng thời cũng đưa vào cuối sách một số bài viết về Tổ Bồ-đề Đạt-ma.