Phật giáo truyền sang Việt Nam ta, không kể giai đoạn Bắc thuộc vốn chưa có chứng cứ khảo cứu chắc chắn, chỉ kể từ sau khi độc lập, trải qua các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, cho tới triều Nguyễn, trên ngàn năm nay, ngày lần thịnh hành, từ thành thị cho đến hương thôn, đâu đâu đều có chùa chiền, danh lam thắng tích rất nhiều, thì thấy rằng, chúng sanh phương Nam này rất đông người tin tưởng và tôn trọng đạo Phật.
Nhưng tin tưởng và tôn trọng mà không bày tỏ thành lời thì không đủ tỏ được lòng thành tín. Cho nên các tín đồ đạo Phật thường dùng các thể thi ca từ phú để ngâm vịnh, miêu tả, đặng gửi gắm lòng đạo, phát triển ý đạo, mà lưu truyền ba món báu cho được dài lâu. Những áng văn chương ấy góp lại cũng nhiều, đều là việc dẫn giải đạo lý, để bày tỏ sự mến mộ đối với đạo mầu.
Tam Bảo văn chương sưu tập các bài thi ca từ phú của các tao nhân mặc khách xưa nay, nhằm cống hiến cho các bạn thiện tín thường ngày ngâm vịnh mà nuôi dưỡng tấm lòng mộ đạo. Đây là một trong những tuyển tập văn chương Phật giáo khá hiếm hoi và ra đời từ rất sớm. Cố học giả Đoàn Trung Còn đã dày công thu thập từ đó đây những áng văn hay, những vần thơ đẹp chất chứa đạo vị mà ông gọi là Tam bảo văn chương, bởi chúng được thu gom lại xoay quanh chủ đề Phật giáo.
Điều thú vị là trong tuyển tập này ta thấy xuất hiện rất nhiều tác phẩm đặc biệt mà ngày nay dường như rất khó tìm được, như Văn tế cô hồn của Nguyễn Du, Khao thần ôn dịch của Phạm Thái (tác giả truyện thơ Sơ Kính Tân Trang), thơ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, trích Khóa hư lục của Trần Thái Tông... Với cấu trúc hợp lý khi biên soạn cũng như sự chọn lọc tinh tế, tuyển tập này có thể nói là một tài liệu tham khảo hết sức giá trị cho những ai muốn học hỏi, nghiên cứu về văn chương Phật giáo.