Những chuyện siêu linh huyền bí thời nào và ở đâu cũng có. Chính sử tuy xác tín hơn nhưng ảnh hưởng không rộng lớn và sâu xa bằng ngoại sử, vì ngoại sử bao bọc được phần tàng thức dân tộc, phần này Freud và K. Jung goị là vô thức , vô thức cộng thể hay sơ mẫu ( archetype ), chính là gốc rễ văn hóa, nguồn suối tâm linh, là mẫu số chung nối kết tập thể. Dùng lý luận xuông có thể giải thích biến cố lịch sử hời hợt trần tục nhưng không giải thích được rất nhiều diễn biến phi lý của con người sinh hoạt lơ lửng giữa Thiên và Địa, chập chờn giữa Thiện và Ác, lung linh nơi " âm dương chi giao, quỷ thần chi hội ".
Sử quan duy lý của Hegel, biện chứng duy vật của Marx, lý tưởng chính phủ toàn cầu và tôn giáo toàn cầu ( universal state and universal church ) của Toynbee... tuy là những cố gắng tìm kiếm chiều hướng lịch sử cho nhân loại, nhưng đều là những công trình phiến diện giản qui con người vào lý trí khô cứng mà quên hẳn khía cạnh siêu lý ( irrational ) mênh mông của tâm thức, đây mới là động cơ đẩy con người vào lịch sử và đây mới là bánh xe luân chuyển Sử mệnh của Nhân thế, một nhân thế không đơn độc trên mặt đất, không lẻ loi trong đoản kỳ, nhưng gắn bó mật thiết với thời gian vũ trụ đa dạng, trường viễn. Siêu linh sử quan chấp nhận khía cạnh siêu lý vào khoa học nhân văn, phân định lý số học chân chính với mê tín dị đoan, diễn giải lịch sử bằng những căn tố tàng thức chất chứa hệ quả trùng trùng của lớp lớp hành động, hết thế hệ này sang thế hệ khác, hết vận này sang vận kia. Lý trí chỉ biết tàng trữ dĩ vãng, còn Thần thức mới nhìn thấy tương lai : " Thần dĩ tri lai, trí dĩ tàng vãng " ( Dịch Hệ từ ), mà tương lai mới là tiếng gọi vang động kỳ diệu của lịch sử loài người " linh ư vạn vật ". Lặn sâu xuống tàng thức cộng thể Lạc Việt, cố mang lên vài phiến thạch Sơn tinh Thủy tinh cho các bậc thức giả xây lại ngôi đình đồng qui dân tộc, đấy là tâm nguyện chân thành của người viết tập Việt Sử Siêu Linh này.