Truyền Thuyết Là Gì?
Theo Giáo Sư Trần Gia Phụng, “Truyền thuyết là những câu chuyện bắt đầu từ sự thật lịch sử, được thêm thắt hoặc được tiểu thuyết hóa, và được truyền tụng từ người này qua người khác, từ đời này qua đời khác, rồi lại được dân chúng chấp nhận như là những chuyện lịch sử có thật”.
Tìm hiểu nghĩa của “truyền thuyết”, Hán Việt Từ Điển của GS.Đào Duy Anh chỉ cho biết đơn giản: “nói lại với người khác”. Theo nghĩa tiếng Anh, “truyền thuyết” dịch từ chữ “Legend”, có nghĩa là “thánh truyện, truyện thần tiên, truyện hoang đường” (Từ Điển Nguyễn Văn Khôn). Thật ra, chữ “Legend” phát xuất từ chữ Latin “legenda”, động từ là “legere” có nghĩa là đọc (to read).
Thời Trung Cổ (Medieval), chữ Latin “legenda”, được dùng với nghĩa “điều gì đó để đọc”, đặc biệt dùng trong thể kể chuyện đời sống các Thánh. (Tiểu sử các Thánh được kể lại, quan trọng cả về tài liệu lịch sử, lẫn gương đạo đức). Chữ “Legend” trong tiếng Anh được vay mượn ở chữ “Legenda” từ thế kỷ 14, có nghĩa là: “câu chuyện được truyền tụng trong dân gian, nhưng không thể kiểm chứng được, tựa như các chuyện hoang đường”. Nếu là “Nhân vật truyền thuyết”, những nhân vật này có tên trong lịch sử được dân chúng kể đi kể lại nhiều lần trong nhiều đời, hoặc được thêm thắt, thần thánh hóa, để trở thành nhân vật lịch sử có thật. Đó là những Anh hùng, Anh thư, những Sương phụ, Hiền phụ và những danh nhân, danh tướng trong lịch sử.
Trong thời gian gần đây, người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài đều rất xôn xao khó chịu về những tin tức liên quan đến thân phận người con gái Việt Nam: “bị đầy đọa khi lấy chồng ngoại quốc, bị rao bán như nô lệ, hoặc làm nghề mãi dâm tại nhiều nơi, trên nhiều quốc gia”. Những hình ảnh này làm tổn thương đến danh dự người Việt nói chung, người phụ nữ Việt nói riêng không ít.
Thực tế, phần lớn Phụ Nữ Việt đều là những cô gái ngoan, hiền, trung trinh tiết hạnh theo truyền thống văn hoá Việt.
Chúng ta vinh danh Phụ Nữ Truyền Thuyết Việt Nam chính là để xua tan bóng mây mù đang che mờ đi hình ảnh người con gái Việt Nam oai hùng, tiết liệt, đồng thời để chứng minh với người ngoại quốc rằng: Phụ nữ Việt từ ngàn xưa vẫn là những cô gái được nhân gian tôn vinh kính trọng... "
Trích: Hùng sử Việt - Vinh Danh Phụ Nữ Truyền Thuyết Việt Nam
Truyền thuyết là một bộ phận của Văn học dân gian.Truyền thuyết có sự khác biệt tương đối về nội dung so với truyện cổ tích đó là truyền thuyết thường được gắn với con người, địa danh cụ thể có thật mặc dù cũng giống truyện cổ tích đó là truyền thuyết cũng mang những yếu tố hoang đường. Tìm hiểu về truyền thuyết cũng có nghĩa là gián tiếp tìm hiểu về lịch sử dân tộc qua cuộc đấu tranh sinh tồn hơn 4000 năm của cha ông. Mặt khác truyền thuyết cũng cung cấp cho chúng ta một vốn kiến thức kha khá về các địa danh lịch sử ở Việt Nam. Để khi nào có dịp qua đó, bạn vừa có dịp thưởng ngoạn, hiểu thêm về lịch sử dân tộc, tìm hiểu những bí ẩn, ẩn chứa trong mỗi địa danh, trong mỗi con người đã đi vào truyền thuyết mà một người du lịch bình thường nhìn qua không thể hiểu hết. Đặc biệt ý nghĩa là có truyện kể cho bạn bè, người thân, con cái, những người chưa biết. Có thể nói rằng, mỗi một địa danh, mộĩ vùng đất ở Việt Nam đều gắn với một truyền thuyết nào đó, bởi vậy có vô số truyền thuyết chúng ta biết và chưa biết.