Trong thời kỳ đổi mới này, cái gì sẽ thay đổi và cái gì sẽ không thay đổi? Nếu thay đổi thì thay đổi như thế nào, yếu tố cũ nào nên giữ lại, yếu tố mới nào nên tiếp thu thêm? Nghĩ như trên, trước hết phải hiểu thấu cái dòng lịch sử đã biến thành xương, thành thịt, thành con tim, thành “lòng” người Nhật. Trong những cái coi là "có tính Nhật Bản," có cái đã hình thành sau cuộc chiến tranh Thái Bình Dương[1], cũng có cái mới chỉ lan truyền rộng ra từ những năm chót của thập niên 1980, tức là khi "cơn thịnh vượng kinh tế bong bóng" hay là khi "xã hội ít con" đã xuất hiện, song cũng có cái đã được vun trồng trong sự kế thừa liên miên của lịch sử. Phần lớn những cái đó đã trở thành "tính dân tộc," "tính quốc dân" khó có thể thay đổi được. Xưa nay, Nhật Bản có đủ loại hình văn hóa du nhập vào. Tổ tiên người Nhật đã tiếp xúc bằng con mắt kinh hoàng những văn hóa về hình thức sinh hoạt, từ quần áo, thức ăn, nhà ở tới kỹ thuật, học vấn, nghệ thuật, đạo đức, tôn giáo, chính trị, v.v., rồi đã chọn lọc kỹ càng, cái thì bỏ đi, cái thì tiêu hóa đi rồi cải tạo và vun đắp thành "tính Nhật," "kiểu Nhật." Ðây chính là một đặc trưng lớn của Nhật Bản và của người Nhật.
Hiện nay, Nhật Bản đang ở thời kỳ biến chuyển mạnh. "Chiến tranh lạnh" kết thúc đã làm cho thế giới đổi mới, đồng thời cái "thể chế hậu chiến[2]" dễ thở ở Nhật Bản cũng đã băng hoại luôn rồi. Chính lúc này mới là lúc cần phải nhìn lại lịch sử, đi tìm cái lai lịch của Nhật Bản, tìm hiểu và nắm cho vững cái đặc sắc của xã hội và nền văn hóa mà người Nhật đã vun đắp lên. Những vấn đề thời sự như cục diện chính trị, biến động thị trường từng ngày từng giờ thì đều dễ hiểu, dễ kể lại. Ai ai cũng ngóng nghe, và báo chí cũng loan truyền rộng rãi. Tuy nhiên, nếu nghĩ tới tương lai nước Nhật và người Nhật, tới cái mối quan hệ của nước Nhật và người Nhật với thế giới, thì cần phải nhìn thấu suốt lịch sử cùng bản chất của nước Nhật và người Nhật. Trong những căn nguyên đã làm thành cái đặc trưng của nước Nhật Bản và người Nhật Bản, cái đặc sắc của xã hội Nhật Bản, thì có "vật" và "người," tức là "phong thổ" và "nhân vật."
Chương I: Thái tử Shotoku – Người khởi xướng “tư tưởng gộp đạo Thần-Phật-Nho”
Chương II : Hikaru Genji – Người mẫu cho kiểu “chính khách thanh nhã”
Chương III : Minamoto Yoritomo – Người sáng chế ra “cấu tạo quyền lực hai tầng”
Chương IV : Oda Nobunaga – Người anh hùng bị phủ nhận của lịch sử Nhật Bản
Chương V : Ishida Mitsunari – Người sáng tạo ra loại hình “Kế hoạch kiểu Nhật”
Chương VI : Tokugawa Yeyasu – Cải cách với “ý chí tăng trưởng”
Chương VII: Ishida Baigan – Triết lý dân gian “cần cù và tiết kiệm”
Chương VIII: Okubo Toshimichi – Người dựng nên “chế độ quan liêu (công chức)”
Chương IX: Shibusawa Ei-ichi – Thủy tổ của “chủ nghĩa tư bản Nhật”
Chương X: MacArthur – Thí nghiệm biến Nhật Bản thành một “nước Mỹ lý tưởng”
Chương XI: Ikeda Hayato – Sự thực hiện một đại cường quốc kinh tế
Chương XII: Matsushita Konosuke – Kinh doanh kiểu Nhật Bản và triết lý kinh doanh