Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày tên sát nhân gốc Tây Ban Nha Ramôn Méccađe [Ramon Mercader] thực hiện bản án của những ông chủ từ Mạc Tư Khoa dành cho người sáng lập Đệ tứ Quốc tế.Trong khi Trốtxki [Trotsky] còn sống cũng như sau khi ông bị giết, tên tuổi ông thường xuyên là đề tài bôi nhọ, vu cáo và thóa mạ của những kẻ tự đặt mình dưới sự dắt dẫn của điện Cẩm Linh. Độc giả các quốc gia xã hội chủ nghĩa (cũ) nói chung, và Việt Nam nói riêng, biết rất sơ sài về Trốtxki. Có thời muốn kết tội một ai, chỉ cần vu cho anh ta là trốt-kít! Một thời gian dài, trong những tài liệu tuyên truyền cộng sản, cái tên Trốtxki đồng nghĩa với phát-xít, bán nước, phản cách mạng, chỉ điểm, điệp viên cho đế quốc... Vậy, hẳn nhiều người có thể đặt câu hỏi: ''Trốtxki là ai?''
Nhắc đến Trốtxki, những người am tường lịch sử thường nghĩ đến hình ảnh một nhà cách mạng ''siêu việt'' (chữ của báo chí phương Tây đương thời), lãnh tụ chủ chốt của thợ thuyền Xanh-Pêtécbua [Saint-Pétersbourg] trong các cuộc cách mạng 1905 và 1917 trên cương vị chủ tịch Xô-viết thành phố. Đặc biệt, giữ chức chủ tịch Ủy ban Quân sự Cách mạng, bên cạnh Lênin [Lénine], Trốtxki là người lãnh đạo tối cao của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng Nga năm 1917. Chính Lênin về sau cũng phải công nhận: trong những ngày cách mạng tháng Mười, không có người bôn-se-vích nào hơn Trốtxki. Là người sáng lập và tổ chức Hồng quân Liên Xô kiêu hùng một thời, Trốtxki còn có vai trò chính trị và quân sự nổi bật trong thời nội chiến Nga. Không phải ngẫu nhiên mà trong ''di chúc chính trị'' viết khi lâm trọng bệnh, Lênin từng khẳng định: ''Về mặt cá nhân, hẳn có lẽ đồng chí ấy [Trốtxki] là người tài năng nhất trong Ban Trung ương [đảng bôn-se-vích] hiện nay''.
Dĩ nhiên những chi tiết này đều bị Xtalin [Staline] và bè cánh của ông ta xuyên tạc hoặc giấu nhẹm trong những thập kỷ kế tiếp. Chẳng những thế, trong cả ba vụ án ngụy tạo lớn ở Mạc Tư Khoa thời kỳ 1936-1938, Trốtxki còn là bị cáo chính (vắng mặt!) với những tội danh bịa đặt như ''kẻ cầm đầu mọi tổ chức đối lập'', ''người khơi mào và tổ chức chính yếu các hành động khủng bố''... Mười năm sau ngày thành lập nhà nước Xô-viết mà Trốtxki là một trong những người có công lớn nhất sau Lênin, tên tuổi và hình ảnh ông bị xóa khỏi mọi sách báo, tự điển, tổng luận, phim ảnh.
Vào những năm ''cải tổ'' và ''công khai'' cuối thập niên 80 ở Liên Xô (cũ), đại đa số các nhà cách mạng bôn-se-vích bị chết oan uổng dưới triều đại Xtalin đều được phục hồi danh dự. Nhưng chưa bao giờ Trốtxki, tác giả những cuốn sách đề cập đến cốt lõi của thể chế xta-lin-nít như Cuộc cách mạng bị phản bội, Trường phái giả mạo lịch sử kiểu xta-lin-nít..., được đưa vào danh sách ''minh oan'' này.''Chủ nghĩa trốt-kít là kẻ thù hung hãn nhất của chủ nghĩa lê-nin-nít'': đó vẫn là lời đánh giá chính thức của phe cộng sản ''chính thống'' Nga.
Ngày nay, theo đánh giá của nhiều sử gia và các nhà nghiên cứu nghiêm túc, Trốtxki và chủ thuyết ''cách mạng thường trực'' của ông là một nhánh đặc biệt trong lịch sử những phong trào cách mạng mác-xít. Trong sự nghiệp chính trị của ông, nhân tố ''người anh hùng cô đơn'' luôn tồn tại như một nét chủ đạo. Trốtxki ''cô đơn'', vì trong mọi trường hợp, ông đều cấp tiến và đều theo đuổi những giải pháp độc đáo so với thời đại ông sống. Về căn bản, nhiều ý tưởng và vấn đề ông đặt ra, cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và đáng để chúng ta suy ngẫm.