Nói đến Chiêm Bao hầu như tất cả trong chúng ta đều có một nụ cười nhẹ trên môi: Mộng là Mị, là sự liên tưởng do tình trạng sinh hoạt chi phối, nên không thể tin cậy được. Nhưng qua một vài lần chiêm bao, mặc dù không chủ tâm, bỗng nhiên có vài trường hợp xuất hiện làm ta chợt nhớ lại điềm chiêm bao. Sự liên quan ý nghĩ đưa chúng ta đến sự phân vân, câu mộng là mị giảm đi một phần giá trị. Rồi trong một vài lần khác, qua một bài báo, chúng ta đọc thấy người chết oan ức hiện hồn về cầu cứu với người trong thân. Nhờ đó, nhiều vụ mất tích bí mật được phát giác, khiến chúng ta đâm ra suy nghĩ và cảm thấy mộng vẫn còn một vài khía cạnh có thể công nhận. Qua sự kiện trên, chúng ta phải chấp nhận chiêm bao có một ảnh hưởng rất lớn đối với người nằm chiêm bao, dù người ấy là người của Đông phương hay Tây phương. Cũng qua sự kiện trên, quyển sách này được hoàn thành, không ngoài mục đích tối thiểu: mang lại cho quý bạn một công trình nghiên cứu giá trị, xuất xứ từ nguyên tác giá trị của nhà nghiên cứu Tây phương: Michael Halbert Từ nghìn xưa, phương Tây là phương trời nổi tiếng là không công nhận những gì được gọi là dị đoan là mê tín. Quyển “Khám phá bí ẩn những điềm chiêm bao” xuất xứ từ phương Tây sẽ nói lên phần nào ý nghĩ thực tiễn của nó. Chúng tôi mong rằng quyển sách nhỏ này sẽ giúp quý bạn trong một vài khía cạnh: mộng vẫn không hoàn toàn mị vậy.
Trích “Trước khi đề cập đến những điềm chiêm bao, chúng ta thử tìm nguyên nhân của những điềm khác mà thông thường hơn hết là máy mắt, nhảy mũi… Hầu như tất cả mỗi người trong chúng ta đều có dịp trải qua một lần hay nhiều lần. Đó là những điềm xảy ra trong lúc chúng ta còn thức, dù ngày hay đêm. Riêng về chiêm bao, gần như chỉ linh ứng trong giấc ngủ về đêm hơn là giấc ngủ ban ngày. Nghiệm xét như thế, chúng ta có kết quả như sau: máy mắt, nhảy mũi… là điềm trong lúc chúng ta còn thức và chiêm bao là điềm trong lúc chúng ta ngủ. Trong sách Đông Tây lưu lại thì chiêm bao cũng như điềm được nghiên cứu tỷ mỷ và luôn luôn gặp nhau ở những điểm tương đồng. Về sách Đông phương chúng ta có sách: Hoàng-đế nội-kinh, Đông-lai loại-ngư, Diêu-thân-luật, Thích-điền, Mao-đình-khách thoại, Dưỡng-tinh-luận, nhứt là sách Tây-sơn ký do Tồn Tần thảo ra, và gần chúng ta nhất là sách Nhâm Cầm Độn Toán của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm tức Trạng Trình. Hầu hết hết trong những sách này đều có đề cập đến những điềm khi chúng ta còn thức và những điềm lúc chúng ta đang ngủ. Sách Tây phương thì có Songes, Somnambulisme et spiritisme của J.De Roils, Tripe clef des songes của Malbert, Chance et bonheur d’après les songes của Malet và Zenna… Khảo sát qua các sách trên, chúng ta có sự tương đồng giá trị của những điềm lúc thức và khi ngủ, mà bạn đọc sẽ lần lượt theo dõi ở các đoạn nối tiếp trong quyển sách nhỏ bé này.
Máy mắt là một điềm thông thường hơn hết mà mỗi người chúng ta đều biết. Do tác động tự nhiên xảy ra bất cứ lúc nào và không làm sao khống chế được, ngoại trừ tác động ấy ngừng lại, cũng tự nhiên như lúc xảy ra. Về sự ứng nghiệm của loại điềm này thì mỗi người hiểu theo một nghĩa khác nhau và gần như do truyền khẩu, mà không căn cứ vào đâu cả. Đại khái đàn ông máy mắt phải là tốt, máy mắt trái là xấu, còn đàn bà thì ngược lại. Đó là lề lối thông thường dựa trên nguyên tắc “nam tả, nữ hữu”, mà chúng ta có thể nói là khá sai lầm, nếu không bảo là vô căn cứ. Theo sự nghiên cứu qua những sách Đông Tây nêu trên, thì giá trị của những điềm máy mắt tương đồng như sau, bất luận nam hay nữ…..