Xử lý ảnh là một lĩnh vực đang được quan tâm và đã trở thành một môn học chuyên ngành của sinh viên hệ kỹ sư, hệ cử nhân ngành Công Nghệ Thông Tin, cũng như một số ngành kỹ thuật khác trong các trường Đại học kỹ thuật. Tuy nhiên, tài liệu và giáo trình còn là một điều nan giải đối với sinh viên. Hiện tại chỉ có ít tài liệu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Nga. Tài liệu bằng tiếng Việt còn rất ít. Với mong muốn đóng góp vào sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực này, chúng tôi biên soạn cuốn tài liệu “Nhập môn xử lý ảnh số” để làm tài liệu tham khảo trong việc giảng dạy và triển khai ứng dụng. Xử lý ảnh có liên quan đến nhiều ngành khác như: hệ thống tin học, lý thuyết thông tin, lý thuyết thống kê, trí tuệ nhân tạo, nhận dạng, v...v. Do đó để có thể tiếp thu kiến thức một cách thuận lợi, tài liệu được phân bố một cách hợp lý giữa các vấn đề, không đi sâu nhiều vào các phát biểu toán học gây khó hiểu, khó theo dõi. Ngoài phần lý thuyết , chúng tôi cũng đề cập tới các kỹ thuật được sủ dụng trong xử lý ảnh hiện nay. Các lời giải được thể hiện dưới dạng giải thuật bằng ngôn ngữ thuật giải. Ngoài ra, có một số modul chương trình viết bằng Turbo C được giới thiệu trong phần phụ lục.
Với ý tưởng trên, để trình bày một cách lôgíc các vấn đề và các kỹ thuật trong xử lý ảnh, tài liệu được phân bố thành 8 chương và một phụ lục. Chương Một là phần nhập môn của xử lý ảnh. Mục đích của chương này nhằm giới thiệu các giai đoạn cơ bản trong xử lý ảnh, các thành phần của một hệ xử lý ảnh số bằng máy tính. Chương Hai giớí thiệu về quá trình thu nhận ảnh, cách lấy mẫu và lượng tử hoá ảnh và các kiểu tệp được dùng để lưu trữ ảnh. Chương Ba trình bày các kỹ thuật và các công cụ biến đổi ảnh như biến đổi Fourier, Karhumen Loeve. Chương Bốn trình bày các kỹ thuật nâng cao chất lượng ảnh ( tiền xử lý ảnh). ảnh thu nhận được, do nhiều nguyên nhân có thể bị suy biến hoặc là do mục đích của giai đoạn phân tích - xử lý ảnh, chúng cần được tăng cường để có chất lượng cao hơn. Chương Năm và chưong Sáu là nội dung của giai đoạn phân tích ảnh. Trong phần này, các kỹ thuật xác định biên (một vấn đề chủ yếu trong phân tích ảnh) được đề cập một cách chi tiết bao gồm: kỹ thuật lọc vi phân, kỹ thuật Gradient, Laplace. Tiếp sau là các kỹ thuật phân đoạn ảnh thông dụng và hiệu quả như: Quad-Tree, Merge, làm mảnh biên, nhị phân hoá biên. Chương Bảy đề cập tới vấn đề nhận dạng và các ứng dụng của nó trong nhận dạng chữ viết, nhận dạng vân tay. Chương Tám giới thiệu về nén ảnh và các phương pháp nén ảnh hiện được dùng. Ngoài ra, trong xử lý ảnh còn nhiều vấn đề rất đáng quan tâm nhưng chưa được trình bày trong tài liệu này như: mô tả đầy đủ về đối tượng, trích chọn đặc trưng, phân lớp ảnh, hoặc khôi phục ảnh từ hình chiếu rất có ích trong các ứng dụng y học.